Làm sao để người dân yên tâm lấy tiền ra đầu tư kinh doanh?

Việc nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân lần đầu tiên được đề cập, mở ra kỳ vọng đột phá trong phát triển kinh tế, thống nhất chính sách và loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo... làm khó doanh nghiệp.

Cấp thiết có luật cho kinh tế tư nhân

Ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế”. Ông yêu cầu Việt Nam cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân, sửa các quy định liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Nghị quyết 68.

Việc nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân lần đầu tiên được đề cập. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - khẳng định yêu cầu này rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME.

Theo ông Nam, các quy định liên quan kinh tế tư nhân đang nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh. Luật doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… gây khó khăn trong áp dụng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cũng khó tra cứu.

“Luật chuyên biệt về phát triển kinh tế tư nhân cần hệ thống hóa lại các quy định, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo”, ông Nam nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, nhưng theo ông Nam, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt về tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, “phân biệt” đối xử. “Cần phải khẳng định, trong các văn bản quy phạm pháp luật, không có quy định, từ ngữ nào thể hiện sự phân biệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, trong ứng xử hay nhận thức, vẫn có những điều khiến doanh nghiệp tư nhân bất lợi”, ông Nam nói và lấy ví dụ về sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về tiếp cận đất đai, ông Nam chỉ ra phần lớn ưu đãi về thuê đất, thuế sử dụng đất chỉ dành cho doanh nghiệp FDI hoặc các dự án lớn. Doanh nghiệp tư nhân trong nước thường phải thuê đất với giá cao hơn, khó khăn hơn để có mặt bằng sạch.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP.

Phó Chủ tịch VINASME cho rằng cần thiết có luật để tạo môi trường công bằng cho khu vực tư nhân tiếp cận các nguồn lực, như đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh, tham gia vào các công trình, dự án trọng điểm; vô hiệu hóa những quy định bất lợi như định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết 68 mới ban hành; giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển kinh tế tư nhân làm sao để khuyến khích được khu vực này đổi mới sáng tạo hơn nữa, chuyển đổi số, khởi nghiệp gắn liền với đổi mới, kinh tế tuần hoàn… Luật mới phải cập nhật những xu thế này để không tụt hậu.

“Cần rà soát toàn diện các luật, nghị quyết, quy định liên quan đến kinh tế tư nhân. Luật phát triển kinh tế tư nhân ra đời tập trung vào các chính sách tổng thể, còn các luật chuyên ngành đã có chi tiết hóa trong từng lĩnh vực”, ông Nam đề xuất.

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Chủ tịch VINASME kỳ vọng, Luật phát triển kinh tế tư nhân sớm ban hành, thể chế hóa đầy đủ chủ trương Nghị quyết 68, phấn đấu đưa kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Đến năm 2030, khu vực này sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng lao động xã hội. Năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được nâng cao, thông qua sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh.

Môi trường kinh doanh minh bạch tạo kỳ vọng thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong nước, quốc tế, giải phóng sức sản xuất. “Làm sao để người dân yên tâm lấy tiền ra đầu tư kinh doanh, thay vì đầu cơ bất động sản, đổ vào vàng chờ tăng giá?”, ông Nam trăn trở.

Môi trường kinh doanh minh bạch tạo kỳ vọng thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

Môi trường kinh doanh minh bạch tạo kỳ vọng thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

Ông Phan Đức Hiếu - ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - nhấn mạnh, việc thể chế hóa nghị quyết không thể quá kéo dài thời gian, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.

"Tôi mong muốn việc thể chế hóa nghị quyết lần này phải thật rõ ràng. Người dân chỉ quan tâm Nghị quyết 68 đã nêu rõ, vậy tại sao việc thể chế hóa lại chậm chạp, chưa đi vào cuộc sống", ông Hiếu nêu và lấy ví dụ cần thực hiện ngay việc bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.

Trên thực tế, trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay do các bộ ngành quản lý, có gần 200 ngành nghề. Thực hiện tinh thần nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện không cần thiết, qua đó sẽ giảm thiểu các "giấy phép con" không cần thiết.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-sao-de-nguoi-dan-yen-tam-lay-tien-ra-dau-tu-kinh-doanh-post1741566.tpo