Tiềm ẩn nguy hại từ 'vũ trụ thối não'

HNN - Những nhân vật kỳ quặc như hình thú méo mó, dị dạng đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, tạo nên một 'vũ trụ' kỳ quái cuốn hút các bạn trẻ. Nhưng đằng sau vẻ hài hước gây cười ấy là những hệ lụy đáng lo ngại.

 “Vũ trụ thối não” trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Kim Sáng

“Vũ trụ thối não” trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Kim Sáng

Trong kỳ nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Bé (đường Đặng Huy Trứ, phường Phước Vĩnh, nay thuộc phường Thuận Hóa) cho phép con trai đang học tiểu học sử dụng điện thoại nhiều hơn để giải trí. Một ngày chị thấy con cứ lặp đi lặp lại những cụm từ kỳ lạ, vô nghĩa như “Tung Tung Tung Sahur”, “Tralarelo Tralala” hay “Ballerina Cappuccina”. Khi hỏi, con cho biết , đây là những nhân vật trong “vũ trụ thối não” đang "hot" trên mạng xã hội.

Tò mò về những gì con trẻ đang xem trên internet, chị Bé tìm hiểu và biết rằng đây là trào lưu khởi phát từ đầu năm nay, với các nhân vật được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI), không tuân theo bất cứ một logic nào như một con cá mập đi giày Nike (Tralarelo Tralala), một vũ công ba lê với đầu hình tách cà phê (Ballerina Cappuccina) hay một con cá sấu trong vai… máy bay ném bom (Bombardiro Crocodilo). Những mảnh rời rạc, vô nghĩa nhưng dễ gây cười ấy được kết nối lại bằng hiệu ứng âm thanh hỗn loạn, lặp đi lặp lại, khiến trẻ em thích thú bởi sự vô tri trong các video.

Không chỉ các em nhỏ, nhiều bạn trẻ cũng “phát cuồng” bởi những nhân vật “thối não” trên. Nguyễn Thị Khánh Hòa, sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học (ĐH) Huế cho biết, trong lớp em không bạn nào không biết về trào lưu này. Theo Hòa, sự hấp dẫn của vũ trụ này chính là sự vô nghĩa. “Các đoạn clip chẳng có nội dung gì cả, muốn hiểu như thế nào cũng được nhưng tạo cảm giác rất vui và lạ”, Hòa chia sẻ.

Theo ThS. Nguyễn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, chính sự vô nghĩa lại là điều nguy hiểm ở trào lưu trên. Những nội dung vô tri, không có tư duy, kịch bản này làm nhiễu tín hiệu nhận thức, phá vỡ mạch suy nghĩ logic và chiếm lĩnh khả năng tập trung của học sinh, sinh viên. “Có nhiều sinh viên tâm sự với tôi rằng, sau khi xem nhiều clip với nội dung về “vũ trụ thối não”, các nhân vật “thối não” cứ lởn vởn trong đầu, ảnh hưởng đến việc học và giấc ngủ”, ThS. Anh Đào cho biết.

Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2023, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể khiến sinh viên chịu áp lực về cảm xúc, thời gian và khả năng làm chủ bản thân. Đó cũng là “bẫy thời gian” khiến nhiều sinh viên trì hoãn việc học để xem các nội dung giải trí.

Năm 2024, từ điển Oxford (Anh Quốc) chọn “brain rot” (tạm dịch: thối não) làm “từ của năm 2024”. Thuật ngữ này mô tả sự suy giảm về tinh thần hoặc trí tuệ, đặc biệt do việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến tầm thường hoặc không có giá trị. Điều này phản ánh trào lưu “thối não” như một thứ “thức ăn nhanh cho não”, khiến người xem thỏa mãn tức thì nhưng rỗng tuếch về mặt nội dung. Nghiên cứu được công bố tại Neurolmage, tạp chí uy tín trong lĩnh vực khoa học thần kinh chỉ ra rằng, trẻ em tiếp xúc quá nhiều với những video ngắn có nguy cơ bị giảm khả năng tập trung, rối loạn ngôn ngữ, lệch chuẩn thẩm mỹ… do não bộ bị bội thực thông tin vô bổ. Điều này càng thêm đáng lo khi những hình ảnh AI méo mó, âm thanh lặp lại bất thường của trào lưu “thối não” cũng tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, đặc biệt với trẻ dưới 10 tuổi.

Không chỉ trẻ em, không ít bạn trẻ cũng thừa nhận mình “nghiện” dạng video này, dù biết nó “nhảm nhí” và “làm mình ngu đi”. Khánh Hòa thú thật: “Lúc đầu em chỉ xem cho vui, nhưng rồi cứ lướt mãi không dứt ra được. Nhiều hôm mở điện thoại lúc 10 giờ, ngẩng đầu lên đã gần 1 giờ sáng”.

Việc kiểm soát nội dung trên mạng xã hội giờ đây không chỉ là trách nhiệm của nền tảng công nghệ, mà còn là vai trò của gia đình, nhà trường và chính mỗi cá nhân. Cần phải tạo ra một môi trường số lành mạnh, sáng tạo, giàu ý nghĩa và nhân văn thay vì những thứ gây nghiện vô bổ. Với trẻ nhỏ, sự giám sát của cha mẹ là yếu tố then chốt. Hãy dành thời gian cùng con đọc sách, chơi các trò chơi ngoài trời, kể chuyện thay vì để điện thoại thay thế mình.

ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/tiem-an-nguy-hai-tu-vu-tru-thoi-nao-155401.html