'Kẻ thù nhỏ bé' suýt đoạt mạng thanh niên 27 tuổi

Thanh niên ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục suốt 3 ngày. Đáng chú ý, người bệnh từng ghép thận được 6 năm và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa điều trị thành công một trường hợp sốt xuất huyết Dengue thể nặng có dấu hiệu cảnh báo, kèm biến chứng cô đặc máu nghiêm trọng trên nền bệnh nhân ghép thận.

Bệnh nhân là nam, 27 tuổi, sống tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Anh nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục suốt ba ngày. Đáng chú ý, người bệnh đã ghép thận được 6 năm và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch Cellcept. Trước đó, anh chưa từng mắc sốt xuất huyết Dengue và cũng chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể có dấu hiệu cảnh báo nên đã chuyển ngay vào đơn vị Hồi sức tích cực.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm mạnh, chỉ còn 6 G/L, trong khi chỉ số hematocrit liên tục tăng từ 0,39 lên 0,52 rồi 0,56 - báo hiệu tình trạng cô đặc máu nguy hiểm. Bệnh nhân có biểu hiện bụng chướng, phù toàn thân, khó thở, nồng độ oxy trong máu (SpO2) giảm còn 93% dù đã được hỗ trợ thở oxy.

Thanh niên này được điều trị theo phác đồ truyền dịch tinh thể nhưng tình trạng không cải thiện. Ngay lập tức, các bác sĩ thay đổi phương án điều trị, truyền dịch cao phân tử kết hợp Albumin. Nhờ xử trí kịp thời, chỉ sau 2 ngày, các chỉ số dần trở về bình thường, người bệnh tỉnh táo, bắt đầu ăn uống, tiểu tiện tốt hơn.

Đến ngày thứ 9, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rõ rệt, không còn chảy máu tự nhiên, bụng bớt chướng, hết phù, các chức năng sinh hoạt trở lại bình thường.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra với 4 loại huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Thời tiết mưa ẩm thuận lợi cho muỗi phát triển, số ca sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh, nhất là với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và không qua khỏi. Bên cạnh đó, theo dõi sát và điều trị kịp thời chính là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ke-thu-nho-be-suyt-doat-mang-thanh-nien-27-tuoi-post1566823.html