Làm sếp, ở biệt thự, tôi vẫn mang cơm đi làm mỗi ngày
'Công ty này ngược đời, nhân viên ở nhà thuê ăn nhà hàng, sếp ở biệt thự ăn cơm cặp lồng', những câu đùa kiểu nói kháy như vậy không làm tôi bận lòng.
Tôi là chủ một công ty tại Hà Nội. Mỗi ngày, tôi lái xe rời khỏi căn biệt thự trong khu đô thị cao cấp lúc 7h, mang theo bên mình chiếc túi vải nhỏ, bên trong là hộp cơm trưa tôi tự chuẩn bị từ tối hôm trước. Với nhân viên, đây là hình ảnh quen thuộc bao năm nay. Còn người ngoài không quen thuộc lắm thì ngạc nhiên hỏi nhà có điều kiện sao phải khổ thế, suất cơm trưa văn phòng tầm 70 – 80 nghìn đồng là đủ tươm tất và vệ sinh rồi.
Có lẽ trong mắt nhiều người, phụ nữ tự nấu mang đi làm là bình thường, là tốt, còn đàn ông “có tiền” mà đều đặn ăn trưa bằng hộp cơm nhà thì “có vấn đề”. Tôi từng bị hỏi đùa kiểu nói kháy: “Công ty này ngược đời, nhân viên ở nhà thuê ăn nhà hàng, sếp ở biệt thự ăn cơm cặp lồng”; hoặc “Phải thế mới mua được biệt thự”.
Tôi chỉ cười, không cần giải thích. Tôi không phải người hà tiện, luôn không tiếc khi tiêu nhiều tiền cho những thứ mình thích hoặc cho là xứng đáng, hoặc khi giúp đỡ những người khó khăn. Tôi mang cơm đi ăn một phần là để tránh tốn kém không cần thiết, một phần là vì tôi trân trọng sức khỏe, thời gian và thói quen sống kỷ luật hơn là sự phô trương bề ngoài.

Tự mang cơm đi làm vì tôi trân trọng sức khỏe, thời gian và thói quen sống kỷ luật hơn là sự phô trương bề ngoài. (Ảnh: Treehugger)
Mang cơm trưa là lựa chọn của người sống có kế hoạch
Ở các nước phát triển như Nhật Bản hay Đức, mang cơm trưa đi làm là chuyện hết sức bình thường, không phân biệt bạn là công nhân, nhân viên hay giám đốc, bởi đó là cách sống chủ động và khoa học.
Một hộp cơm tự nấu có thể chỉ mất khoảng 30 nghìn đồng tiền nguyên liệu (hoặc 100 nghìn đồng, tùy điều kiện và nhu cầu của bạn) nhưng đầy đủ dinh dưỡng, có thể chủ động chọn thực phẩm sạch. So với một bữa ăn khá ổn ở ngoài trung bình 50–80 nghìn đồng với thực phẩm không rõ nguồn gốc, nêm nếm đậm vị, nhiều dầu mỡ, rõ ràng tự mang cơm vừa rẻ hơn vừa tốt hơn.
Bạn có thể tính sơ, một người đi làm 22 ngày/tháng, ăn ngoài hết 60.000 đồng/bữa, vị chi 1.320.000 đồng. Trong khi đó, tự nấu chỉ tốn khoảng 30.000 đồng/ngày, tổng cộng chưa tới 700.000 đồng. Mỗi tháng bạn tiết kiệm được hơn 600.000 đồng, một năm là hơn 7 triệu đồng. Với người thu nhập thấp, đó không phải con số nhỏ.
Quan trọng hơn là sức khỏe không thể được mua lại bằng tiền một khi mất đi. Thức ăn ngoài thường nhiều bột ngọt (loại kém chất lượng), dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, thực phẩm ôi héo hoặc bảo quản lâu ngày. Chưa kể, ở những hàng quán vỉa hè, vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát tốt. Bạn nghĩ rằng mình đang "đổi gió" mỗi trưa, nhưng thực chất là đang đánh đổi gan, dạ dày và cả sức đề kháng.
Tôi có cậu nhân viên trẻ mới đi làm được vài tháng, suốt ngày ăn ngoài, hậu quả là bị đau dạ dày, người hay mệt mỏi, làm việc không tập trung. Sau vài lần tôi góp ý, bạn ấy chuyển sang mang cơm từ nhà đi. Chỉ sau 2 tháng, sắc mặt bạn ấy sáng hơn, năng lượng cũng tốt lên hẳn.
Có thể bạn không thấy ngay tác hại của thức ăn công nghiệp, nhưng khi bệnh gõ cửa, bạn sẽ hiểu không gì đáng quý hơn sức khỏe.
Phung phí không làm bạn sang trọng hơn
Tôi không hề động lòng, bực bội khi bị mỉa mai chuyện “làm sếp, ở biệt thự vẫn ăn cơm cặp lồng”, vì tự mình hiểu rõ, lối sống tiết kiệm và kỷ luật không phân biệt giàu nghèo.
Tôi thấy khó hiểu vì không ít người thu nhập chỉ ở mức trung bình hoặc thấp nhưng cứ ăn quán ngày này qua ngày khác rồi than vãn không có tiền, không đủ sức khỏe để làm việc hiệu quả. Nhiều bạn trẻ thu nhập chỉ 6–7 triệu đồng một tháng nhưng mỗi trưa đều đặt đồ ăn giao tận nơi, hoặc kéo nhau đi ăn lẩu, ăn nướng “giải stress”, cuối tháng hết tiền thì vay mượn, than thở hoặc đổ lỗi cho... vật giá leo thang.
Nếu tự nấu cơm mang đi, họ sẽ không đến nỗi mãi thiếu trước hụt sau như vậy. Có bạn lý luận rằng “nghèo cũng phải hưởng thụ chút chứ”. Nhưng đáng buồn là họ đang dùng số tiền chưa kiếm được để trả cho sự phù phiếm nhất thời, trong khi những người có điều kiện hơn lại chọn lối sống tối giản, kỷ luật.
Tôi không phải là người khắt khe với bản thân, nhưng tôi tin rằng ai muốn tiến xa thì phải có nền tảng là thói quen tốt. Tự chuẩn bị bữa trưa không chỉ giúp kiểm soát tài chính và sức khỏe, mà còn rèn cho con người sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và chủ động. Đó là bài học lớn hơn nhiều so với hơn 1 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng.
Không ai ép bạn phải sống kham khổ, nhưng bạn cần hiểu, chi tiêu có ý thức mới là biểu hiện của người trưởng thành. Người khôn ngoan sẽ biết lựa chọn đúng giữa cái “muốn” và cái “cần”. Bạn không cần một bữa ăn đắt tiền để chứng minh mình thành đạt; phung phí không làm bạn sang trọng hơn. Bạn chỉ cần một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo và tài khoản ngân hàng có tiền để lo những việc quan trọng hơn: Học hỏi thêm để nâng cấp bản thân, chăm sóc gia đình, đầu tư cho tương lai.
Việc tự nấu và mang cơm đi làm không phải là biểu hiện của sự nghèo khổ hay keo kiệt, mà là lựa chọn thông minh của những người biết quý trọng sức khỏe, thời gian và tài chính của chính mình. Là một người làm sếp, tôi không thấy xấu hổ khi cầm theo hộp cơm mỗi sáng. Ngược lại, tôi cảm thấy tự hào vì đang làm gương cho nhân viên bằng chính những thói quen nhỏ nhất.
Nếu bạn đang than vãn rằng tiền lương không đủ sống, rằng chi tiêu quá tốn kém, thì hãy bắt đầu bằng việc đơn giản nhất: nấu cho mình một bữa trưa lành mạnh mỗi ngày. Bạn sẽ thấy sự thay đổi không chỉ trong ví tiền, mà cả trong suy nghĩ và sức khỏe của chính bạn.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lam-sep-o-biet-thu-toi-van-mang-com-di-lam-moi-ngay-ar945555.html