Làm thế nào để lấy lại được tiền đã chuyển khoản nhầm?

Từ 1/7/2024, nhiều quy định liên quan đến thanh toán không tiền mặt có hiệu lực, trong đó 4 trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.

Hiện nay, việc chuyển tiền online thông qua các ứng dụng ngân hàng là phổ biến. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, một số trường hợp chuyển tiền nhầm số tài khoản, sai tên người thụ hưởng...

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản nhưng người nhận số tiền chuyển nhầm đó không tự giác hoàn trả, thậm chí lấy để tiêu xài hoặc chối bỏ việc đã nhận tiền.

Tùy vào từng vụ việc mà người có hành vi không trả lại tiền do người khác chuyển khoản nhầm theo yêu cầu của chủ sở hữu thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp cụ thể, ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) thông tin, đơn vị đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng (sinh năm 1984, ở tại số 98/455 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo Công an xác minh, một người đã chuyển tiền nhầm vào số tài khoản của Dũng với số tiền 170,7 triệu đồng. Sau khi người này làm đơn trình báo Công an, Dũng đã cam kết trả dần mỗi tháng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn một năm qua, Dũng không trả tiền như cam kết.

Khi chuyển tiền nhầm, hãy đến ngân hàng để xác minh giao dịch nhầm lẫn. (Ảnh minh họa).

Khi chuyển tiền nhầm, hãy đến ngân hàng để xác minh giao dịch nhầm lẫn. (Ảnh minh họa).

Cần làm gì khi chuyển tiền nhầm?

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi chuyển nhầm tiền cho người khác, hãy đến ngay ngân hàng để xác minh việc giao dịch nhầm lẫn.

Khi ra ngân hàng, khách hàng cần mang theo căn cước công dân, thẻ ngân hàng, chứng từ như hóa đơn chuyển tiền, thời gian chuyển, số tài khoản và nội dung chuyển tiền để ngân hàng tra soát, kiểm tra lại giao dịch. Khách hàng cần cung cấp đủ thông tin để ngân hàng có thể hỗ trợ tốt nhất.

Sau đó, ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra giao dịch đã phát sinh trên. Trong trường hợp thông tin giao dịch là lỗi từ phía ngân hàng, do nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành yêu cầu phong tỏa số tiền đã gửi vào tài khoản của người nhận.

Nếu xác nhận được thông tin giao dịch hoàn toàn trùng khớp với lệnh thanh toán của khách hàng thì ngân hàng không có quyền phong tỏa tiền chuyển nhầm hay hoàn trả lại. Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cung cấp thông tin của bên nhận chuyển khoản nhầm cho khách hàng theo quy định. Tuy nhiên, ngân hàng có thể sẽ hỗ trợ bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền.

Sau một thời gian nếu ngân hàng không liên lạc được với người nhận hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả, bạn nên trình báo Công an đề nghị hỗ trợ.

Những trường hợp nào phải phong tỏa tài khoản thanh toán?

Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thông tin, ngày 15/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó tại điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:

Tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định có 4 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán. (Ảnh minh họa).

Tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định có 4 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán. (Ảnh minh họa).

Thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Thứ hai, khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Thứ tư, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Điểm mới của Nghị định 52/2024 so với quy định hiện hành là bổ sung thêm quy định về phong tỏa tài khoản thanh toán có thể được thực hiện theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Đ.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-the-nao-de-lay-lai-duoc-tien-da-chuyen-khoan-nham-169240525232848764.htm