Làm thế nào ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm qua trứng và sữa?
Dịch cúm gia cầm hoành hành khắp nơi trên thế giới và có nguy cơ lây lan sang người qua trứng và sữa. Làm thế nào để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ nhỏ?
Gần đây, vào tháng 3 năm 2024, nước ta ghi nhận một trường hợp A/H5N1 thứ hai kể từ năm 2014, sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh nhiễm trên người. Bệnh nhân là nam, 21 tuổi, cư trú tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả từ Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3 xác định, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, do bệnh tình diễn biến nặng, bệnh nhân đã tử vong ngày 23/3.
Trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 là một cảnh báo mới nhất mà các gia đình phải đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ nhỏ khi sử dụng các món ăn có nguồn gốc từ gia cầm, bao gồm cả trứng và sữa.
Vì sao bò có thể bị nhiễm cúm gia cầm?
Vào ngày 1/4/2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo, một người ở Texas xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1). Theo cơ quan này, người này đã tiếp xúc với virus thông qua đàn bò sữa có khả năng nhiễm bệnh.
Đây là ca cúm A/H5N1 thứ hai được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm virus. Theo thông cáo của CDC, triệu chứng duy nhất của người này là mắt đỏ và hiện đang được cách ly và điều trị bằng thuốc kháng virus.
Cơ quan này cũng cảnh báo, nhiều loài chim khác nhau có thể bị nhiễm cúm gia cầm và virus truyền nhiễm được thải ra trong nước bọt, chất nhầy và phân của chúng. Sau đó, virus có thể lây nhiễm sang các động vật khác, bao gồm cả bò.
TTXVN ngày 27/4 vừa qua đã phát đi thông tin, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 26/4 xác nhận khoảng 20% mẫu sữa thương mại của nước này cho kết quả dương tính với virus gây bệnh cúm gia cầm, trong đó phần lớn là tại khu vực có đàn gia súc mắc bệnh.
Theo FDA Mỹ, hiện không có bằng chứng nào cho thấy những mẫu sữa nói trên có nguy cơ gây bệnh cho người dùng hoặc tiềm ẩn virus sống. Theo cơ quan này, việc tiến hành xét nghiệm bổ sung là cần thiết để xác định xem mầm bệnh còn nguyên vẹn và có khả năng lây nhiễm hay không.
FDA cho biết sữa vẫn an toàn đối với người dùng nếu được đun nóng đến một nhiệt độ nhất định, do quá trình này giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus có hại.
Cơ quan quản lý y tế và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng nhấn mạnh rằng dựa trên những thông tin hiện có, nguồn cung cấp sữa thương mại vẫn an toàn nhờ quá trình thanh trùng nêu trên, cũng như việc tạm ngừng khai thác sữa từ những con bò bị bệnh.
Bò cũng có thể nhiễm cúm gia cầm. Ảnh minh họa: Pinterest
Vào ngày 19/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo việc phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên vẫn chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu. Thông báo cho biết, các chuyên gia đã phát hiện "nồng độ virus rất cao trong sữa nguyên liệu" và đang điều tra chính xác thời gian virus có thể tồn tại trong sữa là bao lâu.
Cơ quan y tế Texas khẳng định, tình trạng nhiễm virus ở bò sữa không gây lo ngại cho nguồn cung cấp sữa thương mại. Các nhà sản xuất được yêu cầu tiêu hủy sữa từ các con bò nhiễm bệnh và quá trình thanh trùng sữa cũng sẽ giết chết virus.
Theo bà Wenqing Zhang, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều quan trọng cần đảm bảo là an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tiệt trùng.
Liệu chúng ta có thể bị nhiễm cúm gia cầm bằng cách uống sữa hoặc ăn trứng hay không? Thông tin từ các chuyên gia y tế dưới đây sẽ giải đáo thắc mắc của các bậc phụ huynh.
Cha mẹ hãy đảm bảo chọn sữa tiệt trùng, thanh trùng và trứng sạch có nguồn gốc rõ ràng (Ảnh: Pinterest)
Trứng và các sản phẩm từ sữa vẫn an toàn nếu trứng được nấu chín kỹ và sữa được thanh trùng. Các chuyên gia khuyến cáo nên tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống.
Bác sĩ thú y Daisy May là người viết chuyên mục chăm sóc thú cưng cho trang All About Parrots. Cô giải thích rằng, virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) có thể lây lan nhanh chóng giữa các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi như gà và gà tây. Mặc dù cúm gia cầm chủ yếu là vấn đề về sức khỏe động vật, nhưng đã có những trường hợp virus lây sang người khi con người tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với động vật bị nhiễm bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đồng quan điểm với bác sĩ May khi tuyên bố rằng, "đợt bùng phát này không làm thay đổi đánh giá rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với bệnh cúm gia cầm H5N1 ở Mỹ". Trước đó, CDC cũng đánh giá tỉ lệ lây nhiễm thấp.
Những người thường xuyên làm việc trong thời gian dài với động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là những người không thực hiện các biện pháp phòng ngừa có nguy cơ cao bị nhiễm nhất.
Cách phòng tránh cúm gia cầm
Bác sĩ May khuyến cáo, cha mẹ nên nấu trứng chín hoàn toàn và mua các sản phẩm từ sữa đã được thanh trùng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả gia đình.
Thịt và trứng cần được nấu chín kỹ trước khi ăn (Ảnh: Pinterest)
Việc chế biến và nấu chín tất cả thịt và gia cầm đúng cách cũng rất quan trọng, đảm bảo thịt đạt nhiệt độ bên trong an toàn. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhiệt độ an toàn được đo bằng nhiệt kế thực phẩm cho thịt gia cầm là 73,9°C và thịt bò là 62,8°C.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh phải rửa tay sạch sẽ đúng cách sau khi tiếp xúc với bất kỳ sản phẩm động vật sống nào.
Y tá Nancy Mitchell, cộng tác viên viết bài tại Assisted Living cho biết thêm rằng, cha mẹ cần phải cẩn thận khi xử lý vỏ trứng trước và sau khi chế biến món ăn: “Phân của gia cầm bị nhiễm bệnh có thể chứa virus cúm gia cầm. Điều này có nghĩa là việc cầm những quả trứng vẫn còn dính phân bằng tay không có thể khiến chúng ta có nguy cơ nhiễm bệnh”.
Hãy sử dụng găng tay dùng một lần khi cầm trứng và tránh chạm tay lên mặt trước khi rửa tay bằng xà phòng và nước. Cha mẹ không nên cho rằng vỏ trứng sạch khi không nhìn thấy phân. Virus rất nhỏ và các hạt phân có thể tồn tại ở những nơi mắt thường không nhìn thấy được.
Ngoài ra, người dân có thể tự bảo vệ mình bằng cách tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc chết, bao gồm các loài chim, gia cầm hoặc các động vật khác. Đối với những người làm việc với động vật, nên sử dụng đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với động vật hoặc vật liệu có khả năng bị nhiễm virus. Các thiết bị bảo hộ bao gồm mặt nạ N95 hoặc các loại tương đương, kính bảo hộ, găng tay, áo choàng, tấm che đầu và tấm bọc ủng.
Dịch cúm gia cầm đang là vấn đề đáng quan tâm trong thời gian gần đây, tuy nhiên người tiêu dùng không nên quá lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm qua trứng và sữa là khá thấp. Hãy cùng chung tay nâng cao ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Mỹ phát hiện các đoạn virus cúm trong “sữa từ động vật bị mắc bệnh, trong hệ thống chế biến và trên các kệ hàng”
Tin tức từ TTXVN ngày 24/4 cho biết, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ nêu rõ trong quá trình kiểm tra trên toàn quốc, họ đã phát hiện các đoạn virus cúm trong “sữa từ động vật bị mắc bệnh, trong hệ thống chế biến và trên các kệ hàng”.
Các chuyên gia đã xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase định lượng (qPCR) có độ nhạy cao, có khả năng phát hiện tàn dư của vật liệu di truyền từ mầm bệnh, để xác định liệu sức nóng trong quá trình thanh trùng sữa có vô hiệu hóa virus hay không.
FDA Mỹ nhấn mạnh: “Quy trình thanh trùng sữa đã phục vụ tốt sức khỏe cộng đồng trong hơn 100 năm qua. Ngay cả khi phát hiện virus trong sữa nguyên liệu, quá trình thanh trùng có thể giúp loại bỏ mầm bệnh xuống mức tối thiểu và không gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.”
Các nhà khoa học của FDA cũng đang nỗ lực nghiên cứu thêm các mẫu dương tính với virus bằng cách áp dụng "nghiên cứu khả năng sống sót của trứng."
Theo phương pháp này, virus được tiêm vào một mẫu trứng gà đã có phôi và sau đó theo dõi xem liệu virus có nhân bản hay không.
Hiện FDA đang tiến hành phân tích bổ sung các mặt hàng sữa lưu hành trên thị trường nhằm đánh giá bất kỳ sự khác biệt tiềm ẩn nào đối với các sản phẩm sữa khác nhau, như sữa nguyên chất, kem sữa...
Trước đó, virus cúm gia cầm cũng đã được phát hiện trong sữa thô (sữa bò tươi mới vắt, chưa được tiệt trùng) - loại sữa mà các cơ quan y tế lâu nay vẫn khuyến cáo không nên tiêu thụ.
Canada giám sát chặt chẽ các trang trại nuôi bò sữa
Các chuyên gia Canada đang kêu gọi giám sát chặt chẽ các trang trại chăn nuôi bò sữa ở nước này, trong bối cảnh cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện tại hàng chục trang trại bò sữa ở Mỹ.
Tiến sỹ Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mạng lưới Y tế Đại học Toronto, cho biết trong năm nay virus cúm gia cầm H5N1 đã lây lan mạnh ở các loài động vật có vú.
Các đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 gần đây ở các trang trại bò sữa tại Mỹ đã thúc đẩy các cuộc kiểm tra thực phẩm đối với các mặt hàng thịt bò và sữa ở cửa hàng tạp hóa.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phát hiện rằng cứ 5 mẫu sữa thì có một mẫu dương tính với virus H5N1.
Tiến sỹ Bogoch chỉ ra rằng gần 50% số mèo được nuôi bằng sữa nguyên liệu tại các trang trại bò sữa của Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1 đã chết vì virus này.
Các quan chức ngành sữa của Mỹ và Canada cho biết quá trình thanh trùng sẽ tiêu diệt mầm bệnh trong sữa và họ khuyến nghị người tiêu dùng không nên uống sữa tươi chưa xử lý qua thanh trùng, tiệt trùng.
Các nông dân chăn nuôi bò sữa Canada lưu ý rằng các nhà sản xuất sữa tại nước này đã tuân thủ một số tiêu chuẩn an toàn sinh học cao nhất trên thế giới, đồng thời khẳng định chỉ có sữa từ động vật khỏe mạnh mới được phép phân phối cho người tiêu dùng.