'Làm văn nghệ coi như một binh chủng'
Dù đã bước sang tuổi 88 nhưng Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp vẫn giữ được tinh thần tươi trẻ, dí dỏm như thời đôi mươi. Trong bộ quân phục toát lên dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bà kể lại những ngày tháng hào hùng nơi chiến trường Điện Biên Phủ, những buổi biểu diễn không sân khấu, không đèn đóm, chỉ có bãi cỏ và bộ đội là khán giả…
“Điệu xòe bật lửa” trên đường hành quân
Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/ Mặc trời mưa/ Mặc đường trơn/ Mặc đèo cao dốc đá…
Tháng 12.1953, vừa bước vào tuổi 17 rực rỡ thanh xuân, cô gái Hà Nội Ngô Thị Ngọc Diệp theo Đoàn văn công Đại đoàn quân Tiên phong (nay là Sư đoàn 308), nhận lệnh tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Đoàn văn công chia thành từng nhóm, hành quân cùng bộ đội. Đội văn công của Ngọc Diệp do Đội phó Đào Hồng Cẩm chỉ huy, từ Thái Nguyên lên đường đi chiến dịch.
Ngày ấy, mỗi văn công như bà Diệp phải đeo một ba lô tư trang, nếu có quần áo biểu diễn, nhạc cụ thì vác theo, cùng một chiếc xẻng, cuốc (để lúc trú quân đào hầm), ống tre đựng nước, một chiếc bạt, một tấm nilon che mưa nắng. Ngoài ra, mỗi người được phát 3 - 5kg gạo, khoác ngang người. Bộ đội cấp dưỡng thường ưu tiên phụ nữ nên lấy gạo trong bao của chị em để hành quân đỡ nặng hơn. “Đường rừng núi hành quân bấy giờ vô cùng gian khổ, cũng không biết trước là đi đâu, chỉ nghe nói đi chiến dịch Trần Đình, cứ nghe hai chữ Trần Đình mà tiến”, bà Diệp kể lại.
Đoàn hành quân từ 5 giờ chiều đến 2 giờ đêm. Suốt thời gian ấy, văn công có nhiệm vụ kể chuyện cho bộ đội nghe chuyện tiếu lâm, chuyện cổ tích hay các mẩu chuyện trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy (Nicolai Ostrovsky)… nối tiếp nhau cho bộ đội tỉnh ngủ và vui vẻ trên từng bước chân. Những lúc dừng nghỉ 5 - 10 phút, văn công hát múa, biểu diễn các tiết mục ngắn. Hồi ấy bài hát Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành sáng tác từ chiến dịch Tây Bắc, đến chiến dịch Điện Biên Phủ mọi người đều thuộc hết, tất cả hòa ca. Vì nhiệm vụ hành quân bí mật nên không được thắp đèn, không được đốt lửa, đoàn biểu diễn dưới ánh sáng mờ mờ của trăng sao.
Bà Diệp nhớ ngày đó mới học được điệu múa xòe hoa của người Thái nên các thành viên trong đoàn văn công nóng lòng muốn biểu diễn cho bộ đội xem. Tuy nhiên, để biểu diễn tiết mục này, trên tay phải có nhạc cụ. Vì không tìm đâu ra lục lạc, bà nảy ra ý tưởng lấy những chiếc nắp bật lửa sắt xâu vào dây dù, đeo lên tay, tạo ra âm thanh vui tai hòa theo điệu múa. Bộ đội thấy văn công lấy nắp bật lửa ra múa thì cười vui và đùa gọi đó là “điệu xòe bật lửa” độc nhất vô nhị trên đường hành quân Tây Bắc.
Những "sân khấu" giữa rừng
Các chặng nghỉ dài trên đường hành quân là lúc bộ đội vui nhất, vì được xem nhiều tiết mục, thích hơn cả là xem văn công diễn kịch. Bộ đội dọn bãi cỏ, ngồi vây xung quanh tạo thành một “sân khấu tưởng tượng”. Bà Diệp vẫn nhớ một vở kịch do nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiền sáng tác, kể về hành trình bộ đội vào bản giác ngộ cách mạng cho người dân. Diễn viên hát đến đâu, bộ đội phía dưới vỗ tay đến đó: Anh đi đi, giết lũ giặc báo thù. Anh đi thôi, giết lũ giặc báo thù… - bà ngân nga câu hát trong vở kịch từng diễn ở chiến trường năm nào.
Trên “sân khấu” giữa rừng, những kịch bản vốn chỉ có vài gạch đầu dòng lại trở nên vô cùng sống động và đi vào lòng người. Trong đoàn có đồng chí Phùng Đệ (Trung tá Phùng Đệ) là nam nhưng đóng bà già rất đẹp trong vở kịch về tình quân dân. Cảnh mang ấm nước sành và bát đi rót nước cho bộ đội, nét duyên của “bà già” Phùng Đệ làm ai nấy cười vui thích thú. Hay có vở kịch diễn cảnh cuộc chiến đấu giữa quân Pháp và bộ đội ta. Văn công đóng vai Tây đen, lấy nhọ nồi bôi đầy lên mặt. Có người đóng vai Navarre, vừa đặt chân đến Điện Biên thì nhận tin thua trận, khóc nức nở, khiến mọi người cười vang…
Bà Diệp chia sẻ, những chiến sĩ văn công như bà thời đó hầu hết không được đào tạo bài bản mà được lựa chọn vì có năng khiếu. Thế nhưng ai nấy nhập tâm, biểu diễn bằng cảm xúc chân thật, mong đem đến những khoảnh khắc lạc quan, vui vẻ, phấn chấn, át đi cái nhọc nhằn, gian khổ, ác liệt của bom đạn chiến tranh. Có ở trong hoàn cảnh ấy mới hiểu, một câu nói, một bài thơ, một lời hát cũng chứa sức mạnh cổ vũ tinh thần rất lớn.
“Cứ thế, chúng tôi không nhớ xuể đã kể bao nhiêu chuyện, hát bao nhiêu bài, sắm vai trong bao nhiêu vở kịch... Chỉ nhớ những cảm xúc, những ấn tượng. Có lần biểu diễn trước cả dân công và bộ đội đại đoàn khác, mọi người được gặp nhau xúc động lắm. Có tiếng hô lên: Có ai ở Phú Thọ không? Có ai ở Hà Nội không? Có ai ở Thanh Hóa không?… Mọi người nhao nhao có, có! Ai mà gặp được cùng quê thì vui mừng reo lên như gặp được người thân ở chiến trường”, bà Ngọc Diệp nhớ lại.
"Tinh thần Điện Biên"
Khi Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị chiến dịch tổng phản công, đoàn văn công của bà Diệp nhận nhiệm vụ khâu lá quân kỳ "Quyết chiến, quyết thắng". Nhiệm vụ này giao cho bà cùng một đồng chí khác. Chỉ huy phát cho đoàn một miếng vải đỏ, nhưng khó nỗi là quân kỳ phải có ngôi sao vàng ở giữa, có chữ “Quyết chiến, quyết thắng” và tua xung quanh. “Giữa không gian rừng núi, biết lấy đâu ra vải vàng, chỉ vàng?... Biết là khó khăn nhưng chúng tôi bảo nhau phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ”. Bà Diệp nảy ra ý tưởng lấy những viên thuốc sốt rét màu vàng giã ra, nhuộm lên băng gạc được phát phòng khi bị thương, rồi cắt ra ghép lại thành ngôi sao 5 cánh. Chữ “Quyết chiến, quyết thắng” cũng được khâu theo như vậy, còn tua cờ thì ghép từ dây dù. Quân kỳ may xong, bà Diệp giao cho nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiền đưa xuống hầm cho bộ đội.
“Sau này, nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiền kể lại với tôi, khi đưa lá quân kỳ cho bộ đội, anh em phấn khởi lắm. Có người còn đưa lại một cuốn sổ, nhờ nhạc sĩ chép cho mấy bài hát để khi nào chiến thắng trở về sẽ học hát. Mới thấy tinh thần lạc quan của người lính khi ấy thật lớn nhường nào. Trong hoàn cảnh chuẩn bị đi vào đồn địch, cận kề cái chết mà họ không một chút nao núng, vẫn tin tưởng mình sẽ trở về, sẽ chiến thắng. Đó chẳng phải là tinh thần Điện Biên?”, bà Diệp xúc động nói.
Bà Diệp nhớ lại chuyện vui những đêm hành quân, người đầu hàng truyền xuống dưới hàng là “bên phải có cái hố”, nghe sao lại thành “bên phải có con hổ”, ai cũng sợ nhưng chân vẫn bước. “Sau ngày hành quân thường có giờ chỉnh huấn. Một tiểu đội có 12 người, 3 người một tổ, có một tổ trưởng. Giờ chỉnh huấn tổ trưởng sẽ hỏi câu như: Hôm qua đi qua bom nổ chậm, có đồng chí nào có tư tưởng bảo mạng (sợ chết) không? Quả thực lúc bấy giờ cũng có sợ chứ, nhưng không dám nói, lúc nào cũng phải lên gân, kiên quyết, vì nếu nói ra chỉ sợ bị cho về hậu phương, không được tham gia chiến dịch. Bấy giờ ai nấy đều như vậy, tất cả vì chiến trường, vì chiến thắng, coi đó vinh dự. Vả lại, văn công so với bộ đội, gian khổ sao đáng kể”.
Gần ngày tổng phản công, cùng với Đại đoàn 316, 312, đoàn văn công của bà Diệp cũng được huy động làm đường cho xe tăng tiến vào Điện Biên Phủ. Bà vẫn nhớ như in hôm ấy, khi đang cùng đồng đội gánh cát, sỏi từ suối lên đắp đường, bỗng có một chiếc xe com măng ca chạy qua, người đi phía trước xe liên tục hét lớn: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”. Lúc ấy, cả đoàn không ai bảo ai, chạy vội về phía trước. Hóa ra chiếc xe đó đang chở viên tướng De Castries bị bắt sống từ hầm chỉ huy về. “Tin vui chiến thắng đến quá bất ngờ. Niềm sung sướng như giọt nước tràn ly, chúng tôi ôm nhau, nhảy múa trên đường, cảm xúc không diễn tả thành lời”.
“70 năm nhìn lại, tôi thấy mình rất trẻ, thấy mình trở về ngày xưa, làm trọn nhiệm vụ của thanh niên hồi đó. Làm văn nghệ cũng coi như một binh chủng. Tôi tự hào mình chưa bao giờ sợ khổ, dù nhiều lúc thấy khổ. Tôi tự hào vì tuổi thanh xuân đã cống hiến cho chiến trường, tiếp lửa tinh thần cho bộ đội, tất cả vì chiến thắng”. Nói rồi, bà lại cất lên câu hát trong bài “Khi thời cơ đến” do chính các đồng chí đoàn văn công 308 sáng tác trên đường tham gia chiến dịch Điện Biên năm nào: Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/ Mặc trời mưa/ Mặc đường trơn/ Mặc đèo cao dốc đá…