'Làn gió mới' cho khu vực nông thôn
Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP) là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng của các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Vì vậy, Chương trình đã được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP bốn sao, HTX Mì gạo Hùng Lô không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong năm 2022, qua đánh giá, phân hạng đã có 64 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 47 sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao, 17 sản phẩm đạt hạng bốn sao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 139 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên, trong đó sản phẩm Chè Đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty TNHH Chè Hoài Trung huyện Thanh Ba đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia (hạng năm sao).
Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và gắn hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm sẽ giúp có lợi thế khi tham gia thị trường, nâng tầm giá trị, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô phấn khởi chia sẻ: “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, mì gạo Hùng Lô càng được nhiều người tin dùng. Sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hội chợ, siêu thị, nhà hàng và mở rộng thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, mới đây sản phẩm mì gạo sợi nhỏ, mì phở sợi nhỏ, mì phở sợi to của HTX vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Doanh thu của HTX tăng 35% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP”.
Thực tế cho thấy, việc triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh bước đầu tạo “làn gió mới” cho khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy, nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường. Đồng thời thông qua Chương trình đã làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để tiếp tục triển khai có kết quả Chương trình OCOP trong thời gian tới cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của các chủ thể và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách và có phương thức huy động nguồn lực phù hợp để hỗ trợ cho chương trình. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn. Đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình cần tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP theo quy định.
Trịnh Hà
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/lan-gio-moi-cho-khu-vuc-nong-thon/190991.htm