'Làn sóng' giáo viên nghỉ việc ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên

Ngoài mức lương thấp, không đủ trang trải thì việc thiếu giáo viên đã phần nào gây áp lực công việc đối với thầy cô giáo.

LTS: Ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5886/BGDĐT-NGCBQLGD về báo cáo thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc.

Trong đó, yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ về thực trạng trên nhằm đề xuất những giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những ghi nhận về thực trạng này ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời phỏng vấn các lãnh đạo ngành giáo dục tại một số địa phương ở khu vực này để có bức tranh tổng thể nhất về vấn đề này.

Vì sao chỉ trong ba năm, Quảng Nam có đến 200 giáo viên nghỉ việc?

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, từ năm 2020 đến năm 20222, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc là 200 người.

Công tác ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa nhưng mức lương thấp, chế độ đãi ngộ không cao khiến nhiều giáo viên nghỉ việc. (Trong ảnh: Giáo viên ở Quảng Nam vượt sông vào điểm trường lẻ. Ảnh: AN).

Công tác ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa nhưng mức lương thấp, chế độ đãi ngộ không cao khiến nhiều giáo viên nghỉ việc. (Trong ảnh: Giáo viên ở Quảng Nam vượt sông vào điểm trường lẻ. Ảnh: AN).

Trong đó, năm 2020 có 41 người, năm 2021 có 39 người và năm 2022 có 120 người. Nghỉ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non là 88 người.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc, một lãnh đạo Sở Giáo dục cho hay: “Quảng Nam là tỉnh có địa bàn rộng, nhiều huyện miền núi, có nhiều giáo viên do điều kiện công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ việc để tìm công việc thuận lợi hơn.

Đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đối tượng nghỉ việc ra khỏi ngành tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non và tiểu học. Trong số đó có một số trường hợp giáo viên, cán bộ quản lý nghỉ việc ở địa phương này do đã trúng tuyển vào viên chức ở địa phương khác.

Trên thực tế, một số vị trí như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học tuyển dụng được còn rất ít so với nhu cầu do không có người dự tuyển đáp ứng được trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Do đó, việc thiếu giáo viên giảng dạy đã phần nào gây nên áp lực công việc đối với thầy cô giáo. Bên cạnh đó, do mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên phần nào cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc”.

Cũng theo vị này, ngoài những nguyên nhân nói trên thì còn một số lý do khiến giáo viên nghỉ việc đó là: nghỉ việc do mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình thay đổi nơi sinh sống…

Quan tâm đến tiền lương để ngăn giáo viên nghỉ việc

Trong văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc ngày 9/1, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho hay, trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục và đào tạo.

Cùng với các chính sách chung, tỉnh cũng đã có những chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo như: triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách của trung ương liên quan đến nhà giáo, người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết về chính sách đối với giáo viên như: Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp;

Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 quy định một số chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên trường trung học phổ thông chuyên và các trường trung học phổ thông công lập, phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, phát huy tối đa mọi nguồn lực để quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục, đặc biệt là đối với những người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Liên quan đến đề xuất những giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc, ông Tuấn cho rằng, cần quan tâm đến chính sách tiền lương đối với những người công tác trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nói riêng đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Trong đó, cần chú ý đến chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

“Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Đồng thời phải cho họ được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học… Có cơ chế đặc thù để ưu tiên trong công tác tuyển dụng đối với người địa phương nhằm ổn định đội ngũ lâu dài” ông Tuấn nêu kiến nghị trong văn bản.

AN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lan-song-giao-vien-nghi-viec-o-cac-tinh-mien-trung-tay-nguyen-post232580.gd