Lan tỏa giá trị cao quý của di sản thế giới

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Lễ Khai hội xuân Tây Yên Tử tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: ĐẶNG GIANG)

Lễ Khai hội xuân Tây Yên Tử tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: ĐẶNG GIANG)

Thời gian tới, các ngành liên quan hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới này, góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực phát triển du lịch bền vững, lan tỏa giá trị Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản dạng chuỗi liên tỉnh thứ hai của , hội tụ giá trị đặc sắc về tôn giáo, lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Quần thể gồm hơn 525 ha khu vực cốt lõi, 4.380 ha vùng đệm, với 12 cụm, điểm di tích gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm - dòng Phật giáo bản địa duy nhất của Việt Nam, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.

Quần thể này gồm nhiều di tích quốc gia đặc biệt như: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng (chùa Thanh Mai…) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa nằm trên địa bàn ba địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng, được bảo tồn, bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của .

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản dạng chuỗi liên tỉnh thứ hai của Việt Nam, hội tụ giá trị đặc sắc về tôn giáo, lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Các di tích này cung cấp đầy đủ về lịch sử, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, thể hiện quá trình hình thành, phát triển, mối quan hệ bền vững của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu trong các không gian lịch sử, văn hóa.

Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm về tinh thần hòa giải, hòa hợp và hòa bình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại. Đó là giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, Di tích Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm. Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây. Đặc biệt các văn bia ở Yên Tử chứa đựng một lượng thông tin rất lớn về sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm qua từng thời kỳ.

Không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử nằm tại tỉnh Bắc Ninh, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm thời Lý-Trần. Trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm là trung tâm của không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ với tên gọi Chúc Thánh Tự.

Vào thế kỷ XIII, chùa được Vua Trần Nhân Tông mở rộng và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm, mang ý nghĩa “mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm”. Chùa không chỉ là nơi tu hành của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) mà còn là trung tâm đào tạo tăng sĩ và hoằng dương Phật pháp thời Trần.

Một trong những di sản quý giá nhất của chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh Phật, gồm 3.050 bản khắc với chín đầu sách, đánh dấu sự phát triển của chữ Nôm và quá trình Việt hóa Phật giáo, được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2012.

Trong hồ sơ xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã khẳng định những giá trị đặc sắc và quan trọng của Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (thành phố Hải Phòng).

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý khu di tích này cho biết: Các di vật khảo cổ tại quần thể di tích này và khu vực chùa Thanh Mai, chùa Huyền Thiên… đã chứng minh một nền văn hóa phát triển rực rỡ trải dài nhiều thế kỷ trên vùng đất này, góp phần minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử. Côn Sơn với núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm).

Côn Sơn, Kiếp Bạc là địa danh gắn bó các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi… Trải qua hơn 700 năm tồn tại và phát triển, khu di tích lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng.

Để Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh NghiêmCôn Sơn, Kiếp Bạc cũng như các di tích và danh thắng khác ở nước ta được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: “Từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương”.

Đơn cử như để bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang (cũ) đã cho khảo sát và phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp” tái hiện lại đường đi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông bên sườn Tây Yên Tử để lên đỉnh Yên Tử tu hành. Tỉnh đã lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị chùa Vĩnh Nghiêm, đã được Thủ tướng phê duyệt, với diện tích quy hoạch 40ha, với mục tiêu đưa chùa Vĩnh Nghiêm thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Đối với cụm Di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, từ năm 2013 tới nay, tỉnh Hải Dương cũ (nay là thành phố Hải Phòng) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích, mở mang hệ thống giao thông, trồng rừng và làm đẹp cảnh quan môi trường. Điển hình là các dự án: Tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc; dự án đường vào Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; dự án tu bổ, tôn tạo Di tích chùa Côn Sơn; dự án hạ tầng du lịch chùa Huyền Thiên...

Cùng với đó, hơn 10 năm qua, các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát, hội thảo quốc gia và quốc tế. Từ hồ sơ ban đầu năm 2012 tập trung cho Yên Tử (Quảng Ninh), đến năm 2020, hồ sơ được mở rộng bổ sung các di tích của tỉnh Bắc Giang (cũ), Hải Dương (cũ) và cập nhật chuẩn theo tiêu chí UNESCO.

Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh, đơn vị chủ trì lập hồ sơ, đã ban hành gần 650 văn bản, tổ chức tám hội thảo quốc tế, 11 cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và hàng trăm cuộc họp cấp tỉnh để rà soát, hoàn thiện hồ sơ.

Các địa phương cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, phục dựng các hạng mục di tích; phát huy lễ hội, nghi thức truyền thống, bảo tồn cổ vật, mộc bản và hệ sinh thái rừng nguyên sinh gắn với du lịch bền vững. Vào tháng 1/2024, hồ sơ chính thức Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được hoàn thiện và trình UNESCO để công nhận di sản thế giới với những thay đổi và đề xuất phù hợp.

Trong Hồ sơ di sản nêu rõ, hiện nay có khoảng 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và hơn 15.000 ngôi chùa theo trường phái Trúc Lâm tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Quần thể Di tích và Danh thắng Yên TửVĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc không chỉ là bằng chứng lịch sử, mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh, gắn kết con người với thiên nhiên - yếu tố làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Việc quần thể Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới mở ra cơ hội phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với di sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hải Phòng tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của di sản thế giới”.

HƯƠNG THỌ - VINH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-gia-tri-cao-quy-cua-di-san-the-gioi-post893504.html