Lan tỏa hạt nhân nông nghiệp xanh
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng được khẳng định vị thế trước xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững với môi trường.
Những điểm hạt nhân, mô hình nhỏ đang ngày càng được lan tỏa, tạo nên những phong trào sản xuất nông nghiệp xanh.
Không sinh ra ở vùng chè, nhưng lớn lên ở vùng chè. Trải qua bao nghề nhưng duyên với nghề của thôn, của làng đã đưa ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên gắn bó với cây chè theo một hướng mới.
Một lần được đi Nhật Bản và được ghé thăm một vùng sản xuất chè hữu cơ, được chứng kiến giá chè cao đến cả 100 lần so với Việt Nam. “Tại sao Việt Nam không có được giá chè như vây?”, ông Tô Văn Khiêm đã trăn trở với câu hỏi đó.
Mang suy nghĩ đó về làng, ông Khiêm đã đi vận động bà con sản xuất chè VietGAP tiến đến sản xuất hữu cơ. Khi sản xuất VietGAP bà còn chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho dành riêng cho cây chè và tuân thủ tuân thủ của nhà sản xuất thuốc, ghi chép lịch sử sử dụng. Nhưng chuyển sang làm hữu cơ thì khó khăn hơn rất nhiều.
Lúc đầu cũng không có mấy người tin, ông Khiêm xác định phải xây dựng hạt nhân. Ông tìm khoảng một vài chục hộ để xây dựng hạt nhân và tự mình thu mua giá chè với giá cao. Đồng thời tuyên truyền, vận động, phân tích cho bà con hiểu cần phải thay đổi để bảo vệ đầu tiên là sức khỏe của chính mình.
Ngay cả giá trị sản phẩm hữu cơ sẽ tăng lên nhưng chưa ai nhìn thấy là sẽ tăng lên bao nhiêu. Mặc dù vậy, cái mà ai cũng nhìn thấy được là sự thay đổi về môi trường, về nguồn nước khi không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Để động viên bà con chuyển đổi, ông đã tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ phân bón, kỹ thuật sản xuất. Khi năng suất giảm, bà con cũng không bị giảm lợi nhuận mấy. Ban đầu năng suất giảm đi trông thấy. Vận động bà con đã khó ông lại phải tự đi tìm kiếm các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho hợp với cây chè, với thổ nhưỡng đất.
“Sau có một hai năm làm hữu cơ thôi thì tự nhiên trong đất con giun, con dế… phát triển, đất tơi xốp hơn. Sức khỏe của bà con cũng cảm thấy tốt hơn, khỏe hơn. Và bà con dần tin mình hơn”, ông Khiêm chia sẻ.
Là một trong vài hộ đi đầu theo hướng sản xuất hữu cơ cùng ông Tô Văn Khiêm, anh Phan Văn Định chia sẻ, sau bao năm giá chè vẫn không đổi, người dân vẫn cứ phải vật lộn với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thu nhập không tăng thêm mà sức khỏe con người lại đối mặt với nhiều rủi ro.
Sau vài vụ đi theo hướng hữu cơ anh Định nhận thấy sản lượng dù giảm đi nhưng chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe tốt lên hẳn. Từ đó, những người đi đầu đã thành lập hợp tác xã, có thêm các chương trình hỗ trợ của địa phương về quy trình canh tác.
Từng bước rồi từng bước, thế rồi hợp tác xã của anh đã có khoảng 100 ha; trong đó đã chuyển đổi được trên 30 ha đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam. Hợp tác xã đang chuyển đổi diện tích còn lại, hiện đã sản xuất theo hướng hữu cơ được 2 năm. Để chuyển đổi đạt chuẩn hữu cơ, các hộ dân phải mất khoảng 4 năm.
Sản phẩm chè Khe Cốc đã có những chuyến hàng sang Séc, Ba Lan… và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước đặt hàng.
Ông Khiêm mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để sản phẩm của hợp tác xã có được chứng nhận của các thị trường khắt khe hơn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Khi đó chè Khe Cốc sẽ phủ rộng hơn ra thị trường quốc tế và đặc biệt khi người nước ngoài đang quan tâm đến sản phẩm hữu cơ hơn.
Ông Khiêm chia sẻ, trước khi làm chè hữu cơ, thu nhập của bà con vùng Khe Cốc chỉ được khoảng 30 triệu đồng/năm. Nhưng đến năm 2022 qua thẩm định nông thôn mới và thực tế thu nhập trung bình đã lên 80 triệu/người/năm. Điều này, đã giúp xóm Khe Cốc từ một xóm thuộc diện 135 - vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022.
Không dừng lại ở đó, hiện ông Khiêm và anh Định đang lên kế hoạch đưa Khe Cốc trở thành một điểm đến du lịch nông nghiệp. Anh Phan Văn Định cho biết, anh đã hướng dẫn cho các địa phương xây dựng được khoảng 10 mô hình làm du lịch nông nghiệp ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Sơn La, Lào Cai... Nên không có lý do gì mà anh không đưa quê hương mình trở thành một điểm dừng chân cho du khách tham quan, nghỉ ngơi và tìm hiểu về cách làm chè hữu cơ của Khe Cốc.
Với những nỗ lực, đóng góp đưa sản xuất hữu cơ vào phát triển cây chè và các sản phẩm trà, năm 2023 ông Tô Văn Khiêm đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Những người như ông Khiêm hiện nay trên cả nước cũng có không ít và họ đang âm thầm cống hiến, lan tỏa những cách làm hay, thân thiện với cuộc sống, con người và môi trường vào sản xuất rau quả, chăn nuôi, thủy sản… Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đánh giá, nông nghiệp hữu cơ của nước ta đang trên đà phát triển mạnh với đa dạng sản phẩm. Việt Nam cũng nằm trong Top 10 quốc gia có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhiều lần nói rằng, làm nông nghiệp hữu cơ là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế, làm những câu chuyện tử tế. Vì vậy, phải có một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi tư duy nhận thức người nông dân.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lan-toa-hat-nhan-nong-nghiep-xanh/323410.html