Lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa Ngày thơ Việt Nam

Với ý nghĩa tôn vinh thơ ca Việt cùng mọi vẻ đẹp ngôn từ huyền diệu kỳ ảo và những giá trị chân thiện mỹ muôn đời của thơ ca trong cuộc sống, tôn vinh các thế hệ nhà thơ chân chính tài năng, và đặc biệt để thơ ca có điều kiện khẳng định lại những đóng góp thiết thực vào đời sống tâm hồn con người, phát huy hết mọi giá trị của nó trong cuộc sống hiện đại đầy biến động trên toàn cầu, từ năm Quý Mùi 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định chọn ngày Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) hàng năm để tổ chức 'Ngày thơ Việt Nam' trên toàn quốc. Tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức trang trọng, cuốn hút tại Văn miếu – Quốc Tử Giám và nhanh chóng lan tỏa rộng khắp…

Tuyển thơ “Đà Nẵng mùa xuân” gồm 114 bài thơ của 57 tác giả trên cả nước viết về Đà Nẵng sẽ được giới thiệu tại Chương trình chào mừng Ngày thơ Việt Nam – Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025 diễn ra vào chiều 11-2.

Tuyển thơ “Đà Nẵng mùa xuân” gồm 114 bài thơ của 57 tác giả trên cả nước viết về Đà Nẵng sẽ được giới thiệu tại Chương trình chào mừng Ngày thơ Việt Nam – Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025 diễn ra vào chiều 11-2.

“Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Ho-me-rơ cho đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Thơ ca đã ra đời giữa những vui buồn của con người và nó sẽ kết bạn với con người cho đến ngày tận thế”. Ngày thơ Việt Nam hàng năm chính là biểu hiện rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất tinh thần thơ ca ấy của nhà phê bình Hoài Thanh, tác giả “Thi nhân Việt Nam”. “Ngày thơ Việt Nam” với 22 lần được tổ chức trang trọng trên cả nước trong những năm qua đã ngày càng khẳng định, tôn vinh mọi vẻ đẹp và giá trị thơ ca trong lịch sử nhân loại nói chung, lịch sử đất nước, dân tộc Việt Nam nói riêng với bốn ngàn năm văn hiến, luôn kiên cường bất khuất trong chiến tranh giữ nước theo tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Thơ thần - Lý Thường Kiệt) nhưng cũng vô cùng nhân văn nhân hậu, yêu thơ ca và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình - “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh), với tâm nguyện chân thành mượn ngôn từ thơ ca ghi lại mọi điều chân thiện mỹ “Rằng trăm năm cũng từ đây - Của tin gọi một chút này làm ghi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)...

Rằm Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025, lần đầu tiên trong 23 năm, Ngày thơ Việt Nam (cấp Hội Nhà văn Việt Nam - P.V) không diễn ra tại Hà Nội mà được tổ chức tại TP Hoa Lư, Ninh Bình với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Đây được xem là hướng đi mới của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn tình yêu thơ ca đến nhiều địa phương trong cả nước… Những năm tiếp theo, Ngày thơ hàng năm có thể sẽ được tổ chức tại các địa phương khác nhau, tùy thuộc vào chủ đề trong năm đó.

Tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp và giàu truyền thống nhân văn, anh hùng, yêu thơ ca trong một tinh thần luôn biết trân trọng giữ gìn mọi giá trị tinh thần cao cả của cuộc sống…, từ “Ngày thơ Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức đông đảo tại Trung tâm Văn hóa 84 Hùng Vương năm Quý Mùi 2003 đến nay, mỗi năm vào dịp Rằm Nguyên tiêu, các Ngày thơ Việt Nam đều được tổ chức trân trọng, cuốn hút, đông vui. Kể cả trong những năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, thành phố vẫn có những hình thức tổ chức phù hợp, đầy ý nghĩa như tọa đàm về thơ và phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Những “Ngày thơ Việt Nam” tại Đà Nẵng đã thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, được hưởng ứng rộng rãi ở khắp các quận huyện Hải Châu, Thanh Khê. Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Vang, các Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật trong thành phố. Ấn tượng khó phai nhòa của những Đêm thơ Nguyên tiêu như “Khúc tráng ca biển” năm 2019 tại Công viên biển Đà Nẵng, “Bản hòa âm đất nước” tại Đình làng Thạc Gián Thanh Khê... đã thực sự đem tình yêu thơ ca trở lại với người Đà Nẵng và độc giả khắp nơi, để thơ ca đích thực lại nồng nàn trở về cùng tâm hồn người yêu thơ.

Như bao đời nay, cuộc sống và tâm hồn người Việt, người Đất Quảng, người Đà Nẵng luôn gắn bó cùng thơ qua các giai đoạn từ thuở cha ông mở cõi đến các cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương và những ngày hòa bình đổi mới xây dựng phát triển từng ngày vươn đến sự giàu đẹp này. Thơ chính là tâm hồn người Đà Nẵng, tiếng lòng người Đà Nẵng, là lịch sử hào hùng gian khó và là ý chí, khát vọng người Đà Nẵng luôn hướng đến những điều yêu thương cao cả nhất trong cuộc sống từ bao đời cho đến hôm nay.

Với ý nghĩa tiếp tục tôn vinh tinh thần thơ ca cao đẹp đó, nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố phối hợp Tạp chí Non Nước sẽ tổ chức Chương trình chào mừng Ngày thơ Việt Nam – Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Đà Nẵng mùa xuân” vào chiều 11-2 (tức 14 tháng Giêng) tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng. Chương trình sẽ giới thiệu đến đông đảo bạn đọc các sáng tác chọn lọc từ thơ của 57 tác giả với 114 bài thơ cả nước viết về Đà Nẵng đã được tạp chí Non Nước tuyển chọn giới thiệu trong tuyển thơ “Đà Nẵng mùa xuân” (NXB Đà Nẵng, 2025). Hy vọng Chương trình Ngày thơ “Đà Nẵng mùa xuân” sẽ được sự nhiệt tình quan tâm, hưởng ứng tham dự của đông đảo các nhà thơ, người yêu thơ và sẽ để lại những ấn tượng đẹp đẽ, sâu lắng trong tâm hồn mọi người như những Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng trước đây!

Nguyễn Kim Huy

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lan-toa-manh-me-y-nghia-ngay-tho-viet-nam-post308427.html