'Người rừng' trên đỉnh Phia Chang

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) đặt cho ông Triệu Quý Vượng biệt danh 'lão người rừng'. Thoạt nghe ai cũng mường tượng về hình hài khá dị của lão nông chi điền với râu tóc xồm xoàm. Để hẹn gặp lão, tôi phải nhờ Trưởng thôn Triệu Văn Sính kết nối, bởi không có sóng điện thoại, đường vào đại bản doanh lại nằm giữa những vách núi đá thẳng đứng, chính ngọ mới có mặt trời.

Hơn 40 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp

Tôi biết đến ông Vượng qua sự giới thiệu của Trưởng thôn 8x Triệu Văn Sính, trong một lần anh xuống thành phố Tuyên Quang tham gia lớp tập huấn về chăm sóc cây chè Shan tuyết cổ thụ của quê hương.

Ông Triệu Quý Vượng, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang).

Ông Triệu Quý Vượng, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang).

Con đường bê tông từ Quốc lộ 279 lên trang trại của ông Vượng dài gần 5 km, cheo leo, uốn lượn với 2 bên đường toàn cây rừng cổ thụ. Tại ngã ba Khuổi Chuồn, Trưởng thôn Sính đã đợi sẵn để dẫn tôi vào thăm trang trại. Quãng đường chỉ dài có hơn 2 km, nhưng phải vượt qua 2 con suối và tài nghệ tay lái phải khá giỏi để điều khiển trên con đường bê tông nham nhở tự làm có chiều ngang chỉ rộng đúng đủ bánh xe.

Ông Vượng dáng người tráng kiện, đen xạm, đậm chất vùng cao hồ hởi đón chúng tôi. Ông bảo, toàn bộ diện tích trang trại gần 3 ha này gây dựng đã được gần 15 năm. Đó là năm 2010, khi đã hơn 40 tuổi, con cái đã đến tuổi đi học chuyên nghiệp, chi phí học hành, sinh hoạt mỗi ngày một tăng lên, gắn bó với nông nghiệp quá nửa đời người nhưng do đất đai ít, lại thiếu nước nên kinh tế gia đình vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Vượng quyết tâm khởi nghiệp.

Vị trí được chọn làm trang trại xưa kia là nương ót “cho không đắt” của người dân Phia Chang, đó là điểm giáp ranh của 2 khu Khuổi Luông và Vàng Mùn, rắn độc nhiều vô kể, đường đi lại khó khăn nên dù đất canh tác rất màu mỡ nhưng cũng ít người thèm ngó ngàng.

Ông Vượng xin chính quyền cải tạo đất để làm kinh tế, ban đầu chỉ là gieo những quả chè cổ thụ, phát cỏ, san đất cho bằng phẳng, đến năm 2014, diện tích chè đã dần phủ xanh diện tích đất xưa kia đầy cỏ dại, thấy được tiềm năng lớn, năm 2014, ông Vượng quyết định dựng lán để làm trang trại. Người dân bắt đầu quen với hình ảnh lão nông 8h sáng giắt cạp quần ống bương đựng nước chè và trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi.

Tôi hỏi, thế cây ban đầu ông trồng là cây gì?

Ông Vượng nói, chọn trồng ngô để đảm bảo có lương thực, vụ đầu tiên năm đó, cây ngô đạt năng suất gần 1 tạ/sào, gấp 1,5 lần so với bình thường, sự thành công đó cũng khiến ông nghĩ đến chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Ông Triệu Quý Vượng chăm sóc cây quýt của gia đình.

Ông Triệu Quý Vượng chăm sóc cây quýt của gia đình.

Đắp đá, đổ đất trồng cây rau lang

Căn chòi rung lên, bởi đàn lợn ụt ịt dũi cột đòi ăn. Câu chuyện dần trở nên hấp dẫn, chỉ tay vào đàn lợn ông bảo, luyện cho bọn này không phá hoại cây ăn quả cũng kỳ công không kém mấy tay thợ đục đồ thủ công mỹ nghệ.

Năm 2015, ông Vượng bắt đầu cải tạo gần 1 ha đất để trồng cây quýt với số lượng 270 cây, tự tay lấy giống từ tỉnh Bắc Kạn. Ông kể, do hợp thổ nhưỡng, đất mát, cây quýt lớn nhanh, ít sâu bệnh, chỉ hao hụt chút ít do thi thoảng có cơn mưa rừng quét qua khiến đất bị rửa trôi dinh dưỡng. Rồi hành trình trồng cây cam sành Hàm Yên vào năm 2016 với số lượng hơn 200 cây.

Khuôn mặt chai sạm vì sương gió vùng sơn cước, ông Vượng nhoẻn miệng cười thủ thỉ, do ông trời thương nên đến năm 2019, ông bắt đầu được thu 8 tạ quýt, bán được 8 triệu đồng. Đó cũng là những đồng vốn đầu tiên để khởi nghiệp. Cuối năm đó, ông đầu tư toàn bộ số tiền lãi thu được để mua 6 con lợn giống lai rừng về nuôi sinh sản.

Nuôi lợn lai rừng dưới tán cây cam, quýt cả làng đều bảo khác gì “mang trứng cho ác”. Ông chỉ cười, tại những gốc cây ăn quả, ông đều chọn những viên đá cuội có cạnh sắc nhọn để trải dưới gốc cây, lợn là loài thông minh, ngay từ bé khi gặp vật nhọn chọc vào mũi chúng sẽ sợ và từ bỏ tập tính dũi khi cảm nhận có nguy hiểm.

Do nằm giữa thung lũng, gia trại của ông Vượng có thể ví như chiếc chuồng của tự nhiên, chỉ có 1 đường vào, ra duy nhất, còn các mặt đều đóng kín. Năm 2021, ông Vượng có trong tay gần 80 con lợn to, nhỏ, nhưng lúc này nguồn thức ăn bắt đầu không đủ để chăn nuôi, lượng chuối rừng khổng lồ trên rừng xưa kia nay cũng dần cạn kiệt.

Chỉ tay vào đám rau lang tốt um, bò lăn bám rễ vào các phiến đá, ông Vượng tự hào, chỗ này có diện tích khoảng 300 m2, do ông cùng gia đình tự tay xếp đá, đổ đất để trồng. Thay vì trước kia phải đi xin bỗng rượu khắp nơi, thì nay nguồn thức ăn đảm bảo, việc chăn nuôi cũng trở nên dễ dàng.

Do sức khỏe yếu đang trong thời gian hồi phục nên hiện công việc trang trại đang do vợ ông đảm nhiệm.

Do sức khỏe yếu đang trong thời gian hồi phục nên hiện công việc trang trại đang do vợ ông đảm nhiệm.

Cuối năm 2021, khi đàn lợn đến kỳ xuất bán, giá bị ép thấp do đường giao thông đi lại quá khó khăn, đường chỉ có xe máy đi lại được lúc trời nắng, chứ trời mưa chỉ có nước đi bộ. Xuất xong lứa lợn năm đó, ông Vượng đầu tư 50 triệu đồng để làm đường. Ông dí dỏm, con đường “luyện cơ tay” nhà báo vừa đi do gia đình tôi tự làm mất gần 1 tháng, tuy hơi xấu nhưng cũng đỡ hơn trước rất nhiều.

Là người khá cẩn thận, ông Vượng đều ghi chép số lượng nhập vào, bán ra của các sản phẩm của trang trại, ông nói, năm 2023, 2024 là năm thành công, cam, quýt ông thu được trên 15 tấn, đàn lợn bán được gần 100 con lợn giống, lợn thịt, tổng thu nhập đạt gần 200 triệu đồng.

Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú đánh giá, mô hình kinh tế của ông Vượng đang đứng đầu toàn thôn Phia Chang về hiệu quả kinh tế mang lại. Gần đây, ông còn triển khai trồng thêm cây vải thiều, cây thanh long, cây mận tam hoa thay thế dần diện tích cam, bước đầu đang mang lại hiệu quả tốt. Anh Đức bảo thêm, dịp cận xe thương lái đỗ ngoài nhập hàng và tấp nập cánh xe thồ sản phẩm từ trang trại đi ra vui như đi hội.

Năm nay, ông Vượng sức đã yếu, do vừa trải qua cơn đột quỵ nhẹ hồi cuối năm 2024. Hiện toàn bộ trang trại đang do một mình vợ ông đảm nhiệm. Ông bảo, thay vì xốc vác việc nặng như trước kia thì nay lại “cưỡi ngựa xem hoa” phụ giúp bà những việc nhẹ nhàng. Ông quả quyết, sẽ cố gắng tập luyện để hồi phục sức khỏe sớm, bởi dự định của ông đang muốn nhân rộng thêm nuôi gà thả đồi lên quy mô 500 con thay vì vài chục con như hiện tại, bởi tiềm năng đất đai vẫn còn rất lớn.

Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-rung-tren-dinh-phia-chang-206524.html