Lan tỏa nét đẹp văn hóa từ những mô hình điểm
Cùng với việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các quận, huyện đã triển khai hiệu quả các mô hình như 'Di tích lịch sử kiểu mẫu', 'Thôn văn hóa kiểu mẫu'… phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… Qua đó, hình thành những chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi, việc làm của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp địa phương.
Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 12km là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử. Đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Làng Chèm đang đổi thay từng ngày trong sự đi lên của nền kinh tế đất nước nhưng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cũ, nếp sinh hoạt xưa của một làng Việt cổ và ngôi đền cổ kính trong một không gian hài hòa, gợi niềm thương nhớ cho những ai đã từng ghé thăm.
Với những giá trị tiêu biểu, đình Chèm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, đình Chèm đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Với tình cảm và trách nhiệm trước những di sản văn hóa quý báu của cha ông, nhân dân địa phương đã chung tay cùng các cấp chính quyền gìn giữ, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa ý nghĩa này. Minh chứng là vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Thụy Phương triển khai mô hình điểm “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm nhằm góp phần làm tăng giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thụy Phương cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã tích cực phối hợp với Đài phát thanh phường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tại các cuộc họp, sinh hoạt hội viên để đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu, thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Chùa, các điểm di tích trên địa bàn phường nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan tại khu di tích; tuyên truyền, hướng dẫn các du khách khi đến tham quan chiêm bái Đình trang phục phải lịch sự, ứng xử văn minh, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, không đốt vàng mã trong khu di tích...
Ngoài ra, Hội cũng tuyên truyền, vận động thành lập Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử với 24 thành viên. Cán bộ hội viên phụ nữ cùng tổ lễ tân nhà Đình thường xuyên chăm sóc các bồn, chậu hoa cây cảnh cũng như quét dọn vệ sinh trong khuôn viên nội tự… tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tôn lên vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của Đình Chèm.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ phường phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ địa phương trong trang phục áo dài truyền thống khi đón tiếp khách du lịch; khi tham gia lễ hội, các ngày kỵ nhật… tại khu di tích. Đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, ngày Di sản văn hóa Việt Nam, lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm… nhằm giới thiệu, quảng bá về giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm.
Còn tại huyện Đan Phượng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng vừa ra mắt mô hình điểm “Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu”, “Thôn văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung, mô hình điểm di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu, thôn văn hóa kiểu mẫu nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân, tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp. Qua đó, cũng nhằm vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tham gia ngày công lao động, huy động nguồn xã hội hóa để trồng hoa, dọn vệ sinh bảo vệ cảnh quan môi trường; đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng cũng đã trao Công trình số hóa cho Ban Di tích lịch sử Đền Tháp Thượng và gắn biển thực hiện các quy tắc ứng xử nên làm và không nên làm tại nơi công cộng. Cùng với đó, Hội trao tặng 9 “Ngôi nhà của pin” cho các tổ an ninh tự quản các xóm trong thôn và gắn biển tuyên truyền để các gia đình, cá nhân trong thôn cần thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng, ưu tiên tập trung vào các nội dung nên làm và không nên làm. Thông qua mô hình này, nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố Hà Nội, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi, việc làm của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của phụ nữ Song Phượng nói riêng và phụ nữ Thủ đô nói chung. Các mô hình điểm “Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu”, “Thôn văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng góp phần tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp cho môi trường sống, đẩy mạnh việc thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lan-toa-net-dep-van-hoa-tu-nhung-mo-hinh-diem-171985.html