Lan tỏa tinh thần, sức mạnh Điện Biên Phủ qua cầu truyền hình 'Dưới lá cờ Quyết thắng'
Tối 5-5, cầu truyền hình 'Dưới lá cờ Quyết Thắng' - một trong các chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) - đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.
Thông qua những câu chuyện, cung bậc cảm xúc hòa trong bản hùng ca Điện Biên, chương trình đã góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh Điện Biên Phủ trong dòng chảy phát triển của đất nước.
Tham dự chương trình, tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tại điểm cầu Hà Nội có sự hiện diện của các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đoàn đại biểu đảng Tập hợp những người Hu-phu-ê Dân chủ và Hòa bình cầm quyền ở Bờ Biển Ngà.
Tại điểm cầu Kon Tum có sự hiện diện của các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum.
Tại điểm cầu Điện Biên có sự góp mặt của các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.
Tại điểm cầu Thanh Hóa có sự góp mặt của các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự tại 5 điểm cầu còn có sự góp mặt của các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận nơi tổ chức điểm cầu; đại diện cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; cán bộ, đảng viên và nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tổ chức điểm cầu.
Chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho Quân đội ta lá cờ Quyết chiến Quyết thắng làm giải thưởng luân lưu. Lá cờ thêu dòng chữ Quyết chiến Quyết thắng đã cùng các cán bộ, chiến sĩ quân đội ta vượt qua đạn bom, tung bay từ cứ điểm này sang cứ điểm khác, làm nên chiến thắng rực rỡ ngày 7-5-1954.
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, cùng với 5 điểm cầu truyền hình trên khắp cả nước, tinh thần của lá cờ Quyết chiến Quyết thắng một lần nữa được lan tỏa và nhân rộng.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” được tổ chức tại 5 điểm cầu, gồm điểm cầu chính tại Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) và 4 điểm cầu còn lại tại Quảng trường Ba Đình (thành phố Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (tỉnh Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (thành phố Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, điểm cầu Điện Biên Phủ được thiết kế tại không gian của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, dựa trên 56 bậc thang, tượng trưng cho 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” để làm nên chiến thắng lịch sử.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” là chương trình quy mô lớn, với ê kip thực hiện khoảng 500 người và sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trực tiếp biểu diễn tại 5 điểm cầu.
Với thời lượng khoảng 120 phút, cầu truyền hình đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Tại chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây tròn 70 năm, và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Nổi bật trong đó, Ban tổ chức đã nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, tìm kiếm các nhân chứng lịch sử để thực hiện nhiều phóng sự nhằm mang tới bức tranh tổng thể về Chiến thắng Điện Biên Phủ với góc nhìn mới, giàu cảm xúc.
Các phóng sự đã ghi lại những tội ác của thực dân và khẳng định khát vọng hòa bình của người Việt Nam. Thông qua các phóng sự, chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, người xem cùng nhớ lại ký ức hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ với những địa danh lịch sử nổi tiếng, những nhân vật lịch sử, những quyết định lịch sử, mang ý nghĩa quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bao gồm việc chuyển từ kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc"; vai trò của bộ đội pháo cao xạ, công binh, những sáng kiến của lực lượng quân y…
Đáng chú ý, không chỉ nhắc nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ, các phóng sự đã giúp người xem hình dung rõ hơn những thời khắc quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, những hình ảnh sống động về một Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Thủ đô; câu chuyện lịch sử xung quanh chiến dịch Bắc Tây Nguyên - vai trò của Tây Nguyên đối với chiến cục 1953-1954; hình ảnh miền Nam “chia lửa” với Điện Biên Phủ với những phong trào đấu tranh đòi hòa bình, chống bắt lính; các trận phục kích tập kích, phá hoại các sân bay, kho xăng, đồn bốt, tàu bè của giặc.
Cùng với đó là những đóng góp của lực lượng dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong trong chiến dịch, những sáng kiến trên đường vận chuyển lên Điện Biên… Đặc biệt, chương trình cũng chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về công tác tri ân liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính…
Khán giả cũng đã được thưởng thức những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian như: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, "Nam Bộ kháng chiến", “Người Hà Nội”, trích đoạn “Bình Trị Thiên khói lửa”, "Tây Nguyên bất khuất", “Đường lên Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Qua miền Tây Bắc”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”; biểu diễn trống, kèn, kết hợp đọc thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Tiến quân ca”, “Tượng đài chiến thắng”, “Giai điệu Tổ quốc”… Các tiết mục được thể hiện bởi các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc hàng đầu như: Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đông Hùng, Lan Anh, Rơ Chăm Phiang, Y Garia, Đức Tuấn, Anh Bằng, Võ Hạ Trâm, Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Phạm Thu Hà, Belcanto, Oplus…
Sự hòa quyện giữa âm nhạc và thơ đã tạo nên mạch nối nghệ thuật xuyên suốt chương trình, nhắc nhớ không khí hào hùng, tinh thần quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta.
Chương trình đã góp phần khẳng định thông điệp: Suốt 70 năm qua, lá cờ mang khát vọng Chiến thắng đã dẫn dắt quân và dân ta vượt qua các cuộc kháng chiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc, tập hợp sức mạnh ý chí để đổi mới, dựng xây đất nước. Những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, về thế trận lòng dân, về nghệ thuật quân sự và đối ngoại tài tình qua Chiến thắng Điện Biên Phủ là tài sản vô giá cho chúng ta hôm nay, trở thành điểm tựa để những thế hệ đi sau tiếp bước truyền thống cha anh, phát huy tinh thần Điện Biên, khẳng định vị thế của Việt Nam trong dòng chảy phát triển và hội nhập thế giới.
Tự hào và tin tưởng bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chúng ta nguyện đem hết sức mình phát huy truyền thống hào hùng của Điện Biên Phủ. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng mãi là biểu tượng cho ý chí, cho khát vọng Việt Nam hùng cường.
Nhân dịp này, các đại biểu đã tặng Kỷ niệm chương, trao quà cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.