Giữ gìn nét văn hóa truyền thống Tết ở phương Nam
Bỏ qua tất cả bộn về lo toan của cuộc sống hàng ngày, những người dân sinh sống và làm việc tại các tỉnh phía Nam lại rộn ràng chuẩn bị đón thêm một cái Tết trên quê hương mới. Đối với họ, Tết ở phương Nam là một cái Tết mang màu sắc của Tết quê nhà giao thoa văn hóa bản địa của người miền Nam.
Nhà ở đâu, Tết ở đó
Khi những bông hoa mai khoe sắc vàng rực rỡ trong nắng ấm tràn về như rắc vàng trải mật đều trên khắp đất trời, cũng là lúc bước chân Xuân gõ cửa nhiều gia đình ở miền đất phương Nam. Đây cũng là thời điểm nhiều người dân xa xứ sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất này tất tả đón Tết với những đặc sắc riêng của vùng miền.
Chị Ngô Thùy Anh, sinh sống ở thành phố (TP) Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã 12 năm cho biết, từ ngày chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp, gia đình chị đã có 12 cái Tết trên quê hương thứ 2. Với chị Thùy Anh, Tết ở phương Nam được gia đình giữ gìn văn hóa của Tết Hà Nội và hòa quyện vào Tết của người dân TP Hồ Chí Minh. “Ngày Tết của gia đình tôi tại TP Hồ Chí Minh đã dần dần đơn giản và theo phong cách giản dị của người dân phương Nam. Vào ngày 28 Tết, mẹ tôi cũng tất bật đi chợ sắm Tết. Mẹ thường mua hoa cúc đại đóa, hoa ly thay vì mua hoa thược dược, hoa lay ơn như hồi gia đình còn sống ở TP Hà Nội. Trên mâm ngũ quả cúng gia tiên cũng có nhiều trái cây theo phong cách người miền Bắc như: quả chuối xanh, quả bưởi vàng, quất đỏ và thường sẽ có thêm các loại trái cây đặc trưng ngày Tết của miền Nam như: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài...” - chị Thùy Anh nói.
Tương tự, với anh Nguyễn Văn Tám, quê Tiền Giang nhưng sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh hơn 20 năm qua thì Tết ở TP Hồ Chí Minh cũng là lúc để gia đình quây quần bên nhau, nhớ về tổ tiên, làm các món ăn đậm hương vị Tết miền Tây. Anh Nguyễn Văn Tám cho biết, vào những ngày cận Tết, không khí chuẩn bị đón Tết tại TP Hồ Chí Minh của gia đình cũng trở nên hối hả, bận rộn hơn. Trên đường phố, người người hối hả chở hoa, chở hàng đi biếu Tết bà con, bạn bè, đối tác. Đến sáng 30 Tết, đường phố TP Hồ Chí Minh cũng đã thưa vắng hơn, đó là lúc mọi người ở trong nhà chuẩn bị mọi thứ cho những ngày Tết.
“Chiều 30 Tết tại nhà tôi, mẹ và vợ tôi sẽ là người lo cắm hoa, người lo sơ chế đồ ăn, sắp xếp lại cái tủ lạnh đầy ắp thức ăn. Anh trai tôi thì dọn bàn thờ, sắp xếp lại bộ bàn ghế, mấy đứa cháu được giao nhiệm vụ lau chùi sàn nhà. Sàn nhà bằng gạch hoa, hằng ngày chỉ lau bằng nước, ngày cuối năm mới, bố mẹ tôi thường đổ xà bông ra đầy sàn và giao cho các cháu dùng bàn chải cứng chà cho sạch bong, sáng bóng lên. Riêng tôi và anh trai được giao nhiệm vụ chạy tới, chạy lui mua thêm cái này, cái kia khi ba và mẹ kêu thiếu, ngoài ra còn cùng các cháu chùi cái cửa chính, cửa sổ, cửa chính cho sạch...” - anh Nguyễn Văn Tám cho biết thêm.
Theo anh Nguyễn Văn Tám, ngày 30 Tết là thời gian cả nhà gác hết công việc riêng để quây quần bên gia đình và cùng bắt tay nhau vào việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết, mặc dù mệt nhưng rất vui. Đó là lúc mọi người được sống trong không khí gia đình đậm nét nhất, thời điểm mọi thành viên như trút bỏ mọi sự lo toan bộn bề của cuộc sống mưu sinh và trở về quỹ đạo gia đình là trên hết. Đến tối, sau bữa cơm tất niên, bố mẹ tôi mặc đồ đẹp chuẩn đi lễ chùa, các cháu nhỏ và tôi cũng xúng xính áo đẹp đi xem bắn pháo bông. Đối với gia đình tôi, dù 20 năm đón Tết tại TP Hồ Chí Minh, nhưng chúng tôi luôn thấy ấm áp, ý nghĩa bởi với chúng tôi: “gia đình ở đâu, Tết ở đó".
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những người dân xa xứ sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cơ bản vẫn còn nguyên nét văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt. Những phong tục ấy thể hiện tính cách điển hình của người dân Việt Nam như: ơn tổ tiên, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ. Tết đến, người dân sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung đều nhớ đến cội nguồn truyền thống gia phong của dòng tộc, dù là người Bắc, miền Tây Nam Bộ, miền Trung. Trước Tết, vào ngày 23 - 26 Tết, các thành viên trong gia đình, cả người già, người trẻ đều đi “tảo mộ” để mời ông bà, tổ tiên về đón Tết cùng gia đình; ngày 28 -30 Tết, lo dọn dẹp nhà cửa chào đón Tết; trong ngày Tết thì mỗi gia đình đều nấu các món ăn đặc trưng của quê nhà như: trong mâm cơm Tết của người miền Bắc sẽ có nem rán, bánh chưng..., còn người miền Tây thì có bánh tét, nồi canh khổ qua, thịt kho tàu...
Theo đó, trong những ngày Tết, mâm cơm cúng gia tiên của người dân xa xứ sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng phải đủ 2 phần. Phần trưng trên bàn thờ là lời nhắc nhở đến nguồn cội, phần cúng thì thường thay đổi. Phần trưng gồm bánh kẹo, mứt, mâm ngũ quả nhiều ý nghĩa và 5 bông cúc tượng trưng cho ngũ phúc. Ngoài ra, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà chiều 30 sẽ con gà ngậm cọng hành và củ hành tía bày xung quanh là tượng trưng cho năm mới mọi việc hanh thông, sinh sôi nảy nở, nhiều niềm vui hơn năm cũ... Chưa kể, còn có món thịt kho tàu, cá kho riềng, nem rán, chả lụa, canh khổ qua đều được người dân chuẩn bị chỉn chu để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết đến, Xuân về. Đó là những phong vị truyền thống trong ngày Tết của người dân xa xứ sinh sống tại phương Nam và cũng là nét văn hóa truyền thống của Tết Việt Nam.
“Nhắc đến việc đón Tết tại TP Hồ Chí Minh, đối với người dân gốc Bắc sẽ có món bánh chưng, còn người dân gốc miền Tây, miền Trung sẽ có đòn bánh tét. Khác với bánh chưng miền Bắc được gói vào ngày 30 Tết, thì với người miền Tây, miền Trung, bánh tét sẽ được gói vào ngày mùng 2 Tết, bánh được luộc trong đêm để mùng 3 dâng bánh tiễn chân ông bà. Những loại bánh này từ bao đời đã trở thành linh hồn Tết của người Việt Nam và đang được người Việt lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau khi sinh sống và làm việc ở bất kỳ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S” - ông Huỳnh Ngọc Trảng cho biết thêm.