Lan tỏa văn hóa trà trong trường học Suối Giàng

Các trường học tại Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) tích cực đưa văn hóa trà vào trường học, nhằm gìn giữ nét đẹp quê hương.

Giáo viên lan tỏa văn hóa trà trong trường học nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc quê hương.

Giáo viên lan tỏa văn hóa trà trong trường học nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc quê hương.

Ở Trường Mầm non Suối Giàng có một phòng trà truyền thống, đây là nơi vừa để mời khách, vừa là nơi các cô giáo cho các bé tập làm quen với văn hóa trà.

Các bé được các cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn của việc pha trà, hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm, cách pha trà, mời trà hay các cô giới thiệu cho các con biết các công đoạn để làm nên một búp trà… Từ những điều nhỏ nhất, các bé dần hình thành những nhận thức đầu tiên.

 Cô giáo hướng dẫn các bé tìm hiểu về trà.

Cô giáo hướng dẫn các bé tìm hiểu về trà.

Bà Lò Ngọc Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng chia sẻ: “Mỗi tháng các cô lại tổ chức một buổi cho các con trải nghiệm, khi có các hoạt động ngoại khóa khác thì nhà trường lại tổ chức. Các cô đều đã được hướng dẫn và thực hành thuận thục cách pha trà, nhận biết từng loại trà. Hoạt động này trong nhà trường thực sự ý nghĩa bởi nhà trường đóng trên địa bàn xã Suối Giàng thủ phủ của chè shan tuyết, đồng thời địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch thiên nhiên và văn hóa. Qua hoạt động này trẻ được giao tiếp, được trải nghiệm và dần hình thành nhận thức đầu tiên về văn hóa trà. Phụ huynh cũng rất tích cực chung tay với nhà trường. Đặc biệt, hoạt động này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc gìn giữ văn hóa địa phương”.

Suối Giàng được mệnh danh là “thủ phủ của trà Shan tuyết” - một trong những loại trà quý hiếm và độc đáo nhất của Việt Nam. Ngoài ra, vùng đất này còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa của người Mông bản địa, đặc biệt là những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

 Các em học sinh và văn hóa trà của quê hương.

Các em học sinh và văn hóa trà của quê hương.

Những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch hướng tới du lịch văn hóa du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm chè Suối Giàng của địa phương. Từ đó, văn hóa trà được chú trọng đẩy mạnh. Văn hóa trà không chỉ đơn thuần là việc thưởng thức một tách trà mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Việc đưa văn hóa trà vào trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị của trà mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Suối Giàng tuy không đưa thành hoạt động định kỳ, song nhà trường khuyến khích các em học sinh tìm hiểu và thực hành văn hóa trà. Một số đơn vị cũng đã thực hiện các dự án ngắn về văn hóa trà tại nhà trường.

Tại các trường học trên địa bàn xã Suối Giàng, học sinh đều cơ bản hiểu về lịch sử của cây chè Shan tuyết, quy trình sản xuất chè truyền thống; thực hành pha trà.

Đặc biệt các em được tham gia vào các lễ hội trà hàng năm của địa phương, nơi không chỉ có các hoạt động văn hóa mà còn là dịp để các em thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình.

Việc đưa văn hóa trà vào trường học mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giáo dục về giá trị văn hóa, phát triển kỹ năng sống, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp thông qua việc hiểu biết về trà… Mặc dù có nhiều lợi ích, việc đưa văn hóa trà vào trường học ở Suối Giàng vẫn chưa được nhiều, nhất là đối với khối THCS – đây là nguồn nhân lực kế cận làm du lịch của Suối Giàng.

"Đưa văn hóa trà vào trường học tại Suối Giàng không chỉ là một bước đi quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần tạo ra một môi trường học tập tích cực", bà Lò Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng cho biết.

Đức Hạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-toa-van-hoa-tra-trong-truong-hoc-suoi-giang-post729253.html