Lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm Luật An ninh mạng
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, việc trao đổi, chia sẻ thông tin đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, thúc đẩy nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng mạnh mẽ của con người. Đặc biệt sự xuất hiện các trang mạng xã hội là một bước tiến vượt bậc của nhân loại trong tiến trình hội nhập và phát triển, phá tan khoảng cách địa lý - văn hóa giữa các cộng đồng người, giúp mỗi cá nhân 'gần nhau' hơn trong xã hội thông tin.
Những mặt tích cực của mạng xã hội đem lại cho cuộc sống chúng ta là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, thách thức đối với sự an toàn của cộng đồng nói chung và từng người sử dụng nói riêng.
Điển hình như: các đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý “tò mò”, “hóng tin” của số đông người dùng mạng xã hội để tung ra nhiều thông tin có tính chất độc, lạ, tin giả, tin không đúng sự thật,… nhằm thu hút cộng đồng một cách có chủ đích. Trong khi đó, người sử dụng mạng xã hội bị kích thích bởi tính “giật gân” của tin bịa đặt mà không quan tâm tới việc nội dung của tin có bao nhiêu phần trăm sự thật hay không có một chút sự thật nào.
Đáng chú ý hiện nay, rất đông “cư dân mạng” cho rằng không gian mạng là môi trường ảo thì không ai phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn do mình viết ra hay lan truyền thông tin nào đó từ người khác. Điều đáng trách, trong số đối tượng phát tán, chia sẻ các thông tin thất thiệt nêu trên đôi khi còn có cả những người có địa vị, có kiến thức, có uy tín và sức ảnh hưởng trong xã hội. Những “cá nhân” này đâu biết rằng, chính họ đã tiếp tay cho kẻ xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trên các trang mạng xã hội vẫn còn đầy rẫy những nội dung chứa thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, những tin đồn vô căn cứ, tin giả,…do người sử dụng mạng xã hội phát tán nhằm gây bất ổn tình hình trật tự xã hội, có khi vu khống người khác hay làm nhục cá nhân nào đó, thậm chí có những tin với chủ đích kích động những đối tượng thiếu hiểu biết nổi loạn, chống phá Nhà nước,… mà chưa được xử lý triệt để.
Tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”
Như vậy, việc tung tin thất thiệt, tin giả, tin đồn vô căn cứ,…mà gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là vi phạm Luật An ninh mạng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định việc cá nhân sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì sẽ bị xử lý về Tội làm nhục người khác (Điều 155); Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ bị xử lý về Tội vu khống (Điều 156); Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288);…
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào cấm sử dụng mạng xã hội, chỉ có những hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý theo quy định. Do vậy, người dùng mạng xã hội đã đến lúc phải có ý thức đối với hành vi của mình trên mạng xã hội, thượng tôn pháp luật nếu không muốn gánh chịu sự chế tài của pháp luật./.