Làng cổ Bình Hòa
Trước làng là sông nhà Lê, nối với con sông Đơ, một nhánh sông bắt nguồn từ sông Lạch Trào chạy qua trước làng về phía Nam, dãy núi Trường Lệ nên thơ án ngữ mặt tiền như bức bình phong, Bình Hòa xưa phong cảnh hữu tình. Nay, làng Bình Hòa (phường Quảng Châu) nằm ở vị trí địa lý giao thông thuận lợi nối liền giữa TP Thanh Hóa và thành phố du lịch Sầm Sơn.
Theo sử sách xưa, làng Bình Hòa (phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) trước kia thuộc xã Bình An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đời vua Đồng Khánh, làng Bình Hòa thuộc thôn Điều Hòa, xã Điều An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương. Đời vua Thành Thái (1889 - 1907), do các cụ trong làng tham gia kháng chiến chống Pháp đánh trận Ba Đình, sợ giặc Pháp trả thù nên mới đổi từ thôn Điều Hòa thành Bình Hòa.
Ông Ngô Thế Vui, năm nay 76 tuổi kể lại: Làng tôi xưa kia đẹp lắm. Dòng sông nhà Lê yên bình, phẳng lặng, lững lờ trôi. Lúc tôi còn là đứa trẻ chăn trâu, muốn sang bên kia sông, phải đứng trên mình trâu để con trâu bơi qua. Giờ đây con sông nhà Lê chỉ còn một khúc ngắn chạy trước làng rồi nối với sông Đơ. Chúng tôi, giờ vẫn còn tiếc nuối phong cảnh ngày ấy. Nhiều người muốn khơi lại dòng sông này, nhưng thật khó!
Hơn thế nữa, đây là vùng đất lịch sử gắn liền với nhiều huyền thoại như: An Dương Vương và Mỵ Châu, Quan Nghè Quản Di Đài, mang đậm tính nhân văn và giáo dục cao.
Câu chuyện tình yêu giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy ngoài tình hòa hiếu còn ẩn sâu mưu mô thôn tính nước ta của Triệu Đà. Và việc Vua An Dương Vương thua trận phải nhảy xuống biển tự vẫn (bờ biển phía Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An), một lần nữa là bài học về việc dựng nước và giữ nước. Theo truyền thuyết, sau khi An Dương Vương chém Mỵ Châu và nhảy xuống biển có đánh rơi một chiếc đai vàng vào cánh đồng làng Bình Hòa bây giờ. Để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của An Dương Vương, Nhân dân ở đây đã lập đền thờ An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu.
Hiện nay, đền còn lưu giữ được 16/31 đạo sắc từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, các bài văn tế thần, tập văn thúc ước làng Bình Hòa và một số đồ thờ tự như long cung, long ngai, bài vị, kiệu bát cống, hương án, bát bửu, đại tự, câu đối... Với những giá trị lịch sử ấy, năm 1997, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngoài ra, ở làng còn có Nghè Sày thờ ông Quản Di Đài, người từ Hải Dương vào đây và xin làng một miếng đất ngụ cư.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Nhân vật Quản Di Đài được thờ ở Nghè Sày tương truyền đã thi đỗ Tiến sĩ (khoa nào cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép). Điều này dựa trên một số tài liệu thành văn hiện trong nghè, đặc biệt là câu đối: “Tiến sĩ tôn ông thiên cổ tại/ Quan nghè tưởng niệm quốc gia phong” (nghĩa là: Quý ông tôn quý đỗ Tiến sĩ nghìn năm vẫn ở chốn này/ Tưởng niệm về quan nghè được đất nước phong tặng).
Đi vào khuôn viên nghè, qua nghinh môn, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những con giống được đắp gắn ở phía trên các tàu mái, trên đỉnh nóc có đắp lưỡng long chầu nhật cùng các đường cong, nét lượn đã tạo nên giá trị thẩm mỹ cho di tích và kiến trúc. Và đó cũng thêm những nét chấm phá để làng Bình Hòa càng đẹp hơn.
Gắn với các di tích là những lễ hội. Hàng năm, tại đền thờ diễn ra 4 kỳ lễ lớn: Mùng 6 tháng giêng (ngày đức vua lên ngôi); lễ cầu phúc (mùng 1 tháng 2); Húy kỵ 11 tháng 3 (ngày mất của vua) và lễ vào tháng 7 âm lịch (ngày sinh đức vua). Đặc biệt, đã là người dân Bình Hòa không ai không nhớ tới 3 ngày từ 29 tháng giêng đến 1-2 âm lịch bởi nơi đây có Lễ cầu phúc làng Bình Hòa tại đền thờ Đức vua An Dương Vương. “Không khí vui thôi rồi cô ạ”, ông Nguyễn Huy Hạnh giới thiệu với chúng tôi. “Tại lễ hội, bà con Nhân dân được xem đánh cờ tướng, giáo cờ, lượm quân cờ, chọi gà, leo cầu bò, tổ chức vật, bắn cung tên, hát đồng ca, hát đơn ca, ngâm thơ, múa, rước kiệu một vòng quanh làng với số lượng người tham gia khoảng 400 - 500 người rồi về đền thờ tổ chức tế. Rước kiệu cũng được phân chia thứ hạng. Thường thì 2 năm rước từ nghè ra đình tế rồi rước về, 1 năm rước kiệu khắp làng rồi có thi nấu bánh chưng bánh dày mà mọi người thường gọi là rước hội. Rước hội thường diễn ra vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Dù ở quy mô nào thì 3 ngày diễn ra lễ hội là những ngày vui của tất cả bà con. Không khí hội hè ấy được bà con xóm Bái Thượng tổ chức trồng đu cho Nhân dân chơi xuân; xóm Bái Đáy tổ chức cờ tướng đánh vật, hát ghẹo; xóm Hoa Lư tổ chức đánh vật, hát ghẹo; và xóm Chùa là thi đấu vật, đánh cờ... Vì thế mà cứ đến ngày này, con cháu khắp mọi nơi xa gần lại lục tục kéo về.
Trải qua thời gian, làng Bình Hòa xưa, nay thuộc 3 thôn: An Chính, Châu Bình, Châu Thành, nằm ngay trên Quốc lộ 47. “Trong tương lai không xa đây sẽ là khu vực nhộn nhịp của hệ thống vui chơi ở TP Sầm Sơn với các dự án Đường ven biển, dự án đối ứng khu đô thị quảng trường biển và Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ được định hướng trở thành những khu dịch vụ thương mại với những dãy phố sầm uất gắn liền với sự phát triển chung của TP Sầm Sơn, cùng hàng loạt khu tái định cư. Thậm chí, giai đoạn 2030 - 2040, Quảng Châu sẽ hoàn thiện xây dựng cảng biển và bến bãi phục vụ trung chuyển hàng hóa, khu tránh trú bão và cảng cá Lạch Hới và các hạng mục hạ tầng khác”, bà Nguyễn Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu cho biết.
Nằm trong khu vực sôi động của rất nhiều dự án phát triển của TP Sầm Sơn, phường Quảng Châu thay đổi từng ngày. Dẫu vậy, thì làng cổ Bình Hòa vẫn nép mình, lặng lẽ giữa sự chảy trôi của quá trình đô thị. Không còn dòng sông hiền hòa trôi, không còn cây đa bến nước, nhưng sân đền thờ An Dương Vương vẫn sừng sững nơi đầu làng, để chứng kiến những thăng trầm của đất và người nơi đây, để kể cho lớp lớp thế hệ sau này về một ngôi làng cổ đối diện và giữ gìn cùng quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Tôi chắc chắn, khi ai đó đi xa lâu ngày trở lại làng quê mình sẽ ngỡ ngàng vì sự thay đổi, thay đổi để phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-co-binh-hoa/25824.htm