Làng Đại Hoàng và nhà văn Nam Cao

Một ngày đầu hạ, chúng tôi trở lại thăm làng Đại Hoàng, quê hương của nhà văn Nam Cao, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông. Cái lò gạch cũ ven bến đò sông Châu của làng Đại Hoàng năm xưa đến nay đã không còn, nhưng câu chuyện về những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… thì vẫn nguyên vẹn trong lòng người dân vùng chiêm trũng Hà Nam.

Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao. Ảnh: N. Anh

Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao. Ảnh: N. Anh

Cội nguồn sáng tạo của nhà văn Nam Cao

Ngược dòng sông Châu, tôi đến với mảnh đất Cao Đà phủ, Nam Sang tổng xưa tìm về ký ức làng Đại Hoàng cùng những bối cảnh xuyên suốt cuộc đời bi hài những số phận trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Làng Đại Hoàng xưa (làng Vũ Đại trong nguyên tác của nhà văn Nam Cao) được xem là "nhất thôn, nhất làng, nhất xã", nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Bên con đường làng với những khu vườn trĩu đỏ trái mận ngọt và những mảnh ao, bờ gạch là nhà tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Nam Cao, một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học hiện thực phê phán nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung thế kỷ 20. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2, xung quanh là những hàng cây ngọc lan, hoa sữa, lộc vừng, chuối ngự tỏa bóng. Ở đó có bàn thờ ông và những kỉ vật của nhà văn lúc sinh thời.

Quê hương Đại Hoàng với những lễ hội, nhà thờ làng, chùa làng cùng những truyền thống văn hóa, con người chất phác, thuần hậu… chính là chất liệu kết nên những trang viết giàu giá trị nhân văn mà nhà văn Nam Cao đã ký thác. 15 năm cầm bút, nhà văn Nam Cao đã để lại một văn nghiệp đồ sộ với 2 tiểu thuyết, 50 truyện ngắn, bút ký... trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như "Lão Hạc", "Đời thừa", "Sống mòn" và kiệt tác "Chí Phèo".

Năm 1951, trong một cuộc vây ráp của giặc Pháp, nhà văn Nam Cao đã hi sinh trên đường đi công tác khi mới 36 tuổi. Sau gần nửa thế kỷ nằm hiu quạnh trong nấm mộ vô danh tại Ninh Bình, chương trình "Tìm lại Nam Cao" do Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức với quy mô chưa từng có gồm 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân... và Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) thực hiện, hài cốt của nhà văn - liệt sĩ Nam Cao được đưa về quê nhà yên nghỉ trong khuôn viên nhà tưởng niệm.

Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao cũng được khánh thành năm 2004, tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân để tưởng nhớ ông. Sinh ra và lớn lên ở chốn đồng chiêm trũng, Nam Cao đã sống và cảm nhận sâu sắc về những phận người nông dân lam lũ, thấp cổ bé họng, về bi kịch không chỉ của đói khổ, mà còn là khát vọng của những người bị vùi dập. Với quan niệm văn chương nghệ thuật phải "vị nhân sinh", ngòi bút Nam Cao sắc lạnh, tỉnh táo nhưng lại chan chứa yêu thương với người dân quê nghèo.

Cùng với những hiện vật, tác phẩm viết về nhà văn Nam Cao, những hình ảnh về hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao, khu lưu niệm còn có ngôi mộ nhà văn nằm bình yên giữa những giàn trầu, vườn chuối ngự và rợp bóng mẫu đơn. Trên mộ nhà văn là bản khắc bằng đá những dòng chữ đã mờ dần theo thời gian, nhưng ý nghĩa đã trở thành bất tử với hậu thế một tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm "Trăng sáng": "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...".

Cách khu lưu niệm Nam Cao khoảng 1km là "Ngôi nhà Bá Kiến". Ngôi nhà này, nhà văn Nam Cao đã dùng làm bối cảnh để khắc họa nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo" lấy từ nguyên mẫu có thật là Nghị Bính. "Ngôi nhà Bá Kiến" kiểu thôn quê Bắc bộ những năm đầu thế kỷ 20, xây trên khu đất rộng chừng 900m2, nhà có 3 gian, 16 cột gỗ lim, mái lợp ngói nan, xà được trạm trổ hoa văn vảy rồng, vườn trước vườn sau đều trồng chuối ngự. "Ngôi nhà Bá Kiến" đã qua 7 đời chủ. Năm 2007, với mục đích lưu giữ ngôi nhà này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại để bảo tồn và phát triển tuyến du lịch đền Trần Thương - Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao - nhà Bá Kiến.

Cảnh cũ người xưa nay đã đổi thay nhiều, nhưng những nhân vật từ làng Đại Hoàng đã lên trang văn và từ trang văn đã đi vào lòng người dân Việt Nam như những gì thiết thân, quen thuộc xuyên qua cả hai thế kỷ và chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc. Được đánh giá là nhà văn ở vị trí hàng đầu trong nền văn xuôi cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, người con của làng Đại Hoàng xưa là Trần Hữu Tri với bút danh Nam Cao đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - đợt I năm 1996. Cuộc đời lao động nghệ thuật vì lý tưởng nhân đạo, lý tưởng cách mạng và sự hi sinh anh dũng của nhà văn - chiến sĩ Nam Cao mãi mãi là một tấm gương cao đẹp.

Sức vươn lên của Đại Hoàng hôm nay

Dòng sông Châu bên lở, bên bồi, ngút ngàn những ruộng lúa, nương dâu… là những hình ảnh thân thương của miền quê Đại Hoàng. Đất Đại Hoàng xưa nổi tiếng về đặc sản chuối ngự, nên tương truyền dùng để dâng vua, gọi là chuối "tiến vua". Chuối ngự quả nhỏ, buồng nải sai và đẹp, khi chín có mùi thơm, vị ngọt mát, đất nơi khác, dù là ở quanh vùng, trồng cũng không được chất lượng như vậy. Không chỉ là sản vật độc đáo giữa cuộc sống đời thường, mà hình ảnh vườn chuối còn xuất hiện khá nhiều trong những trang viết của nhà văn Nam Cao khi miêu tả về làng Vũ Đại - Đại Hoàng, đặc biệt là trong tác phẩm "Chí Phèo". Tình yêu quê hương tha thiết đã giúp nhà văn có được những áng văn sinh động giàu chất thơ: "...những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình...".

Bức tượng nhà văn Nam Cao trong nhà lưu niệm ông.

Bức tượng nhà văn Nam Cao trong nhà lưu niệm ông.

Ngoài chuối ngự, Đại Hoàng còn nổi tiếng với giống hồng không hạt và đặc sản cá kho dân dã mang hương vị thơm ngon mà không nơi nào có được. Từ xa xưa, mỗi dịp Xuân về Tết đến, bà con làng Đại Hoàng lại làm nghề kho cá với hương vị riêng độc đáo mà chỉ ở Đại Hoàng mới có. Hiện nơi đây có khoảng 30 hộ dân làm nghề kho cá và nhờ phát triển nghề truyền thống này mà nhiều hộ dân kinh tế ổn định. Giữa những ngôi nhà ngói cũ rặt vườn chuối xanh rì là những ngôi nhà cao tầng hiện đại như thổi sức sống tươi mới cho vùng chiêm trũng xưa. Xen lẫn không gian dân dã là tiếng máy dệt rầm rập, đều đặn tấu lên những khúc nhạc đồng quê.

Đại Hoàng có nghề dệt lâu đời, nay không còn dệt thủ công mà chuyển sang dệt máy. Không còn tiếng thoi dệt lách cách thuở nào trong từng ngõ xóm, thay vào đó là những khu công nghiệp sầm uất với các công ty: Công ty TNHH May Tân Tiến Thành, Công ty Dệt may Châu Giang, Phong Lan, Phúc Tiến... với nhiều sản phẩm là vải chéo, vải bay, khăn rửa mặt, khăn tắm xuất khẩu... giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Năm 2004, làng nghề Đại Hoàng được UBND tỉnh Hà Nam công nhận và cấp bằng làng nghề dệt truyền thống với giá trị sản xuất lớn nhất so với các làng nghề trong tỉnh.

Hiện, xã Hòa Hậu đóng góp nguồn thu ngân sách chủ yếu của huyện Lý Nhân. Thu nhập bình quân đạt trên 600.000 đồng/người/tháng. Được biết, trong dự án quy hoạch phát triển xã đến năm 2015, xã Hòa Hậu sẽ lại tách ra làm hai xã Nhân Hậu và Nhân Hòa như trước. Trong đó, làng Đại Hoàng, tức xã Nhân Hậu, sẽ có điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thị trấn, nhằm thu hút đầu tư xây dựng và phát triển.

Trong tương lai, đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đạt điều này, người dân Đại Hoàng cần khai thác hết những lợi thế vốn có, đặc biệt là tour du lịch "Làng Vũ Đại" nhằm quảng bá và thu hút lượng khách tham quan trong và ngoài nước đến nơi đây ngày một tấp nập hơn. Quê hương của nhà văn - chiến sĩ Nam Cao, của những nhân vật bất hủ như lão Hạc, giáo Thứ, Bá Kiến, Thị Nở, Chí Phèo... quê hương của chuối ngự, hồng không hạt, của cá kho, của dâu tằm, của tơ lụa đang có cơ hội giàu lên từ các đặc sản của mình.

Ngọc Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-dai-hoang-va-nha-van-nam-cao/