Làng đào tỷ phú

Trong khi nhiều nơi trồng đào lao đao vì khó tiêu thụ thì người dân thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) vẫn bình tâm vì việc tiêu thụ đào đã hòm hòm.

Hoa đào ở thôn Tranh Đấu chủ yếu tiêu thụ ở thị trường miền Nam

Hoa đào ở thôn Tranh Đấu chủ yếu tiêu thụ ở thị trường miền Nam

Dịch Covid-19 ập tới bất ngờ làm đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trong tỉnh, nhất là khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề. Trong khi nhiều nơi trồng đào lao đao vì khó tiêu thụ thì người dân thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) vẫn bình tâm vì việc tiêu thụ đào đã hòm hòm.

Đào "Nam tiến"

Không giống những nơi khác, người trồng đào thôn Tranh Đấu ít lệ thuộc vào thương lái bởi từ trước đến nay họ đều chủ động tìm nguồn tiêu thụ. Nhiều năm nay, cây đào của thôn đã chiếm lĩnh được thị trường miền Nam và không phải làng đào nào cũng làm được điều này. Theo ông Lê Xuân Mạnh, người có thâm niên trồng đào ở thôn, cây đào vốn ưa lạnh, nếu không biết cách dưỡng cây thì khi vận chuyển vào các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ thành củi khô vì thời tiết nóng bức. Nhưng cây đào được trồng ở thôn Tranh Đấu lại sống khỏe trong điều kiện khí hậu này. Đó là nhờ vào bí quyết luyện và dưỡng cây của các hộ trồng đào. Do đó, đào Tranh Đấu vào trong Nam rất được ưa chuộng và nhiều người tìm mua. Cũng bởi vì trực tiếp tiêu thụ mà năm nay dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song người trồng đào trong thôn không gặp nhiều khó khăn về đầu ra. "Làng tôi có hơn 70% số lượng đào được mang vào miền Nam bán. Năm nay việc vận chuyển có bất cập hơn nhưng chỉ cần thực hiện tốt kiểm dịch và khai báo y tế là có thể lưu thông. Từ 18 tháng chạp, tôi đã vào Đồng Nai bán đào, dự kiến tới ngày 26 này sẽ bán hết. Người ở làng cũng đều mang đào đi chứ không chờ đợi thương lái. Còn nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng quá, đào không thể mang đi được thì chúng tôi cũng không lo. Năm nay không bán thì lại trồng tiếp để bán năm sau, còn chống dịch là phải ưu tiên", ông Mạnh lạc quan nói với chúng tôi qua điện thoại.

Nếu dịch Covid-19 không bùng phát thì sẽ giống mọi năm, vườn đào nhà ông Vũ Duy Đạt vẫn là địa chỉ quen thuộc của người sành chơi đào Tết trong và ngoài tỉnh tìm đến. Những năm trước, cứ đến hẹn lại lên, từ đầu tháng chạp, nhiều người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... không quản đường sá xa xôi đi hàng trăm cây số ra tận nơi để chiêm ngưỡng và mua những cây đào do chính ông kỳ công chăm bẵm. Những khách ngoài Bắc thường phải đặt mua sớm vì từ 20 tháng chạp ông sẽ vận chuyển đào vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Ai cũng khen ông Đạt mát tay khi trồng được nhiều cây đào ưng mắt người mua. Còn ông Đạt thì hãnh diện khoe không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ khác trong thôn cũng rất chịu đầu tư và chăm chút cho từng gốc đào. Song để tạo dựng được tiếng vang như bây giờ, các hộ phải trải qua quá trình dày công tìm tòi, nghiên cứu.

Theo như ông Đạt kể, trước đây người dân trong thôn chỉ quen cấy lúa, trồng màu. Nhiều vụ thu không đủ chi nên dần dần mọi người không còn thiết tha cấy lúa, rồi loay hoay lựa chọn cây trồng thay thế. Có thời điểm, cả làng thi nhau trồng nhãn, táo, rồi lại bảo nhau chặt đi để đổ xô sang trồng keo, bạch đàn. Khi ấy, thấy không khả thi, ông Đạt cùng 10 người khác lên Nhật Tân (Hà Nội), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) để học cách trồng đào. "Tôi vẫn nhớ như in đó là năm 1996. Lúc đó ai nấy đều bỡ ngỡ trước kỹ thuật trồng giống cây thuộc loại khó tính bậc nhất này. Giờ khi đã trở thành thợ trồng đào chuyên nghiệp nhưng mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi", ông Đạt bày tỏ.

Sau khi học hỏi được kỹ thuật và mua cây giống, ông Đạt cùng mọi người hăm hở lên kế hoạch trồng. Mặc dù vậy, những kiến thức được học chắp vá làm cho ông vỡ mộng. Nhìn những cây đào còi cọc, nụ thưa thớt, ông đã nghĩ đến việc từ bỏ. Nhưng sau đó ông vẫn không cam tâm mà quyết tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Quyết định của ông Đạt được các hộ cùng làm ủng hộ nên sau khi bàn bạc, thống nhất, mọi người đã thuê kỹ sư ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam về kiểm tra. Song vì không chuyên sâu về cây đào nên kỹ sư cũng phải bó tay trước giống cây vốn đỏng đảnh, khó trồng này. Cũng từ đó, người dân trong thôn trồng đào bằng kinh nghiệm thực tế, sai hỏng ở đâu thì sửa ở đó. Dần dần, cây đào cũng phải khuất phục trước sự kiên trì của những nông dân cần mẫn.

Dưới bàn tay khéo léo của người dân, càng ngày cây đào càng hợp với đồng đất nơi đây khi phát triển tốt, nụ hoa đều, đẹp và đặc biệt là nở đúng dịp. Không chỉ biết cách chăm sóc cho cây ra hoa đều, đẹp mà nhiều hộ còn có tuyệt kỹ để tạo ra những gốc đào thế độc đáo. Đào nhà ông Đạt có sức hút cũng nhờ các dáng ngũ phúc, bách niên giai lão, tiên ông trồng củ cải... mà ông tự mày mò học cách làm. Khi một số hộ trong thôn làm chủ được kỹ thuật trồng đào thì cũng là lúc nhu cầu về hoa, cây cảnh trang trí lên cao nên đầu ra của cây đào rất thuận. Vì thế, từ hơn chục hộ trồng đến nay thôn đã có khoảng 500 hộ theo nghề với diện tích hơn 60 ha. Thậm chí, một số hộ phải thuê đất ở các địa phương lân cận để trồng đào. Từ những cây đào được bán với giá vài trăm nghìn đồng, đến nay người dân thôn Tranh Đấu đã sở hữu nhiều gốc đào trị giá hàng chục triệu đồng. Ngoài bán đào, nhiều nhà vườn ở thôn còn có dịch vụ cho thuê cây với giá từ 2-20 triệu đồng/cây. Với trình độ thâm canh cao, mỗi năm nông dân thu lãi từ 50-60 triệu đồng/sào trồng đào, có khi đạt tới 70-80 triệu đồng/sào. Nếu vụ nào thuận lợi có hộ thu tiền tỷ.

Đào nhà anh Vũ Xuân Bình, thôn Tranh Đấu đang bày bán tại TP Hồ Chí Minh

Đào nhà anh Vũ Xuân Bình, thôn Tranh Đấu đang bày bán tại TP Hồ Chí Minh

Trăn trở

Sau gần 30 năm gắn bó, cây đào đã giúp nhiều hộ dân ở thôn Tranh Đấu đổi đời. Theo thời gian, người dân thôn Tranh Đấu tích lũy được nhiều kỹ thuật trồng đào. Mỗi người có một phương pháp, cách làm riêng để bắt cây chiều ý người, nở hoa đúng thời điểm. Mặc dù vậy, ở đây không ai giấu nghề, mọi người đều chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, cùng giúp nhau nâng cao tay nghề. Cũng bởi lý do này mà Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ đào hoa, cây cảnh Gia Xuyên được thành lập. Trong tổ có thành viên kỳ cựu, có thâm niên với cây đào, có những người mới chập chững vào nghề. Ai nấy đều nhiệt tình hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ.

Anh Vũ Xuân Bình mới theo nghề 7 năm nhưng đã là tay cứng trong giới trồng đào. Anh kể rằng anh là thế hệ sau, tiếp nối nghề của cha ông và giờ đã thành nghiệp nên phải tận tâm. Mỗi gốc đào đều được anh nâng niu, sử dụng kỹ thuật uốn điêu luyện nhằm tạo ra dáng phù hợp nhất. Anh thích khách hàng thuê đào nhiều hơn là bán bởi như vậy anh có thể gắn bó lâu hơn với những đứa con tinh thần của mình. Theo anh Bình nghề nào cũng vậy đều phải bỏ công, bỏ sức và tính hiệu quả kinh tế nhưng với nghề trồng đào làm đẹp cho đời thì phải thêm cả cái tâm. Có như vậy mới tạo ra được những cây đào có thế, có hồn. Anh tự hào khẳng định: "Với người trồng đào thôn Tranh Đấu, giá trị của cây ngoài dựa vào tính toán chi phí đầu vào thì còn phụ thuộc vào sở thích người mua. Vì thế đào của chúng tôi bao giờ cũng đắt hơn song vẫn hút khách hơn những nơi khác".

Giờ đây, cây đào đã mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng Tranh Đấu thế nhưng người trồng đào vẫn còn những trăn trở, lo toan. Những cây đào trồng ở mảnh đất này đã có tiếng, nhất là ở khu vực miền Nam. Cũng chính vì điều này mà đào của thôn bị trà trộn, làm mất uy tín với khách hàng. Do đó, người dân mong mỏi xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho cây đào. Có thế, người trồng đào sẽ an tâm và tự tin hơn trong tiêu thụ. Bên cạnh đó, mối lo ngại lớn của bà con thôn Tranh Đấu lúc này là liệu đất trồng đào hiệu quả có biến thành đất dự án. Mỗi năm, thôn Tranh Đấu thu hàng chục tỷ đồng từ cây đào. Khi nghe phong thanh có thông tin thu hồi đất, ai nấy đều bất an vì không biết phần đất bị lấy đi có nằm trong diện tích trồng đào của nhà mình. Tiền đền bù sẽ được một khoản lớn song với người trồng đào ở thôn còn đất là còn tiền, không phải tiền chục, tiền trăm mà là tiền tỷ. Vì vậy, người dân mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng có định hướng phát triển phù hợp để không lãng phí đất đai.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm cho nhiều ngành nghề của tỉnh lao đao thì làng đào Tranh Đấu vẫn duy trì tương đối ổn định. Mặc dù không thể thắng lớn như thời điểm dịch chưa bùng phát nhưng nhiều người trồng đào trong thôn vẫn tin tưởng về một vụ đào lãi cao. "Được thời tiết ủng hộ nên đào của thôn rất đẹp và phần lớn đang khoe sắc dưới tiết trời vàng rực đầy nắng miền Nam. Chỉ vài ngày nữa là tôi bán xong rồi vào TP Hồ Chí Minh đợi anh em cùng về ăn Tết", ông Mạnh phấn khởi nói.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/lang-dao-ty-phu-158399