Lắng đọng chương trình Festival 'Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản'
Chương trình 'Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản' được Hà Tĩnh và Nghệ An phối hợp tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Tối 27/11, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình Nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm" nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh và Trường quay S1 của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Sở VH&TT Nghệ An tổ chức thực hiện; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An dàn dựng, biểu diễn.
Tham dự buổi lễ, có Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Phan Viết Lượng. Về phía địa phương, có ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành và Đoàn nghệ thuật các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng.
Chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm" gồm 3 phần chính: "Trầm tích xứ Nghệ", "Hành trình di sản" và "Để mạch nguồn chảy mãi". Với những ca từ giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần sâu lắng, thiết tha, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc của người dân xứ Nghệ.
Xuyên suốt nội dung là các chương trình nghệ thuật, tọa đàm cùng các nghệ nhân để nói về truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nghệ - Tĩnh đã làm nên những giá trị di sản đi cùng thời gian; các dấu ấn và những nỗ lực về công tác bảo tồn, phát huy di sản Dân ca ví, giặm của Đảng bộ và chính quyền 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An trong 10 năm qua.
Đồng thời, đề xuất chủ trương, cách làm để Dân ca ví, giặm tiếp tục tỏa sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, trong hành trình 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, chính quyền, Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung tay, góp phần cho di sản của quê hương ngày càng lan tỏa trong nước và quốc tế.
Nhiều cơ chế, chính sách quan trọng được ban hành và triển khai thực hiện làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị, khẳng định được vị thế và sức lan tỏa của Dân ca ví, giặm trong cộng đồng. Để có được những kết quả như hôm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh bày tỏ tri ân đến các nghệ nhân, nghệ sĩ - những người “giữ hồn” di sản.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sớm khắc phục khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản; tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng thương hiệu Dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ...
Nghệ An, Hà Tĩnh gắn kết với nhau cũng chính từ mạch nguồn đôi bờ ví, giặm. Trải qua chiều dài lịch sử, dù môi trường diễn xướng nguyên bản có nhiều biến đổi, nhưng ví giặm vẫn ăn sâu, bám rễ vào đời sống và là niềm tự hào không chỉ của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh. 10 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ví giặm ngày càng chứng minh sức sống mãnh liệt.
Ngày 27/11/2014, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nâng cao tầm nhìn cho cộng đồng trong nước và quốc tế đối với một di sản giàu bản sắc của một vùng văn hóa.
Trong tâm thức người Nghệ Tĩnh, Dân ca ví, giặm luôn giữ một vị trí quan trọng, trở thành một biểu tượng của đất và người nơi đây. Ở đâu trên mảnh đất này, đâu đâu cũng chất chứa dáng hình những câu hò, điệu ví của ông cha, để làm nên mạch nguồn nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn mỗi thế hệ người dân xứ Nghệ.