Lắng đọng giá trị văn hóa trà Việt tại Tân Cương

Việt Nam hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố trồng chè, tính cả chè trung du và chè cổ thụ thì cả nước có gần 80 vùng chè. Đối với Thái Nguyên, chè được xác định là cây trồng chủ lực. Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và đưa thương hiệu trà Thái Nguyên ngày một vươn xa, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình văn hóa trà Việt.

Việt Nam hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố trồng chè, tính cả chè trung du và chè cổ thụ thì cả nước có gần 80 vùng chè. Đối với Thái Nguyên, chè được xác định là cây trồng chủ lực. Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và đưa thương hiệu trà Thái Nguyên ngày một vươn xa, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình văn hóa trà Việt.

Chương trình được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua tại không gian văn hóa trà của HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân nổi tiếng, tâm huyết, uy tín trong lĩnh vực trà và hơn 20 “nhà trà” sản xuất, chế biến tiêu biểu của tỉnh như: Sơn Dung; Đạt Phát/Cao Sơn; Tuyết Hương; Thủy Thuật/Kim Ngọc; Hương Vân Trà...

Tại Chương trình, các đại biểu, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa trà, xem trà nương trình diễn nghệ thuật pha trà, rót trà, thưởng thức sản phẩm hảo hạng của các nhà làm trà trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, người làm chè cũng chia sẻ những câu chuyện hay, thú vị trong quá trình làm nghề.

Theo các nghệ nhân chia sẻ tại Chương trình, văn hóa trà gắn liền với đời sống người Việt trong suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm, qua nhiều triều đại và những cuộc đổi thay của đất nước. Trà không chỉ là thức uống của cung đình hay giới vương giả mà còn vô cùng gần gũi, gắn bó với đời sống của người lao động. Ngày nay vào các dịp lễ, tết hay ngày thường, khi khách đến chơi nhà, mỗi gia đình người Việt Nam đều pha ấm trà nồng đượm hương thơm để tỏ lòng hiếu khách, thịnh tình và giúp câu chuyện thêm phần gắn kết. Đây là phong tục, tập quán văn hóa giao tiếp từ thuở xa xưa.

Trà không chỉ là chất dẫn chuyện mà từ xa xưa tổ tiên, ông bà còn nghĩ trà là lẽ sống, chúng ta thời nay coi trà như bạn tri âm. Cuộc sống giống như cách pha trà. “Hãy đun sôi cái tôi của bạn, làm bay hơi mọi lo lắng, pha loãng mọi muộn phiền, lọc đi mọi sai lầm và bắt đầu thưởng thức sự hạnh phúc”.

Và không giống như “Trà kinh” của Trung Quốc hay “Trà đạo” của Nhật Bản, cách thưởng trà của người Việt cũng mang nét văn hóa riêng. Đó là văn hóa trà Việt có ở khắp mọi nơi, từ ngoài vỉa hè đến nơi công sở. Nôm na, văn hóa trà Việt có thể gọi là uống trà. Còn ở mức độ cao hơn, sâu hơn thì là thưởng trà.

Những người yêu trà và hiểu về trà chắc hẳn đã ít nhất một lần nghe đến câu nói: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Đó là năm yếu tố quan trọng mà người thưởng thức trà cần lưu tâm để có được một ấm trà ngon trọn vẹn. Đây cũng là nét văn hóa thưởng trà truyền thống mà ông cha ta đã giữ gìn qua bao đời. Trong nghệ thuật thưởng trà, bên cạnh trà ngon, kỹ thuật pha trà điệu nghệ thì dụng cụ pha trà (trà cụ) là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này.

Bởi thế mà tại Chương trình, 2 gian trưng bày sản phẩm trà cụ của An Thổ Túc với những chiếc ấm, chén trà, chén tống, bộ trà cụ bằng tre... được trang trí tỉ mỉ với những hoa văn, họa tiết hoa sen, lá sen đậm nét văn hóa, tinh hoa văn hóa Việt; hay không gian thưởng trà cổ xưa với các bức tranh thư pháp, đá phong thủy, mỹ nghệ, mùi trầm hương thoang thoảng của HTX thủ công mỹ nghệ cỏ mặt trời (TP. Thái Nguyên) luôn có sức hút với mọi người...

Tại đây, mọi người được tìm hiểu những thông tin về thương hiệu An Thổ Túc như: Đất làm ấm An Thổ Túc được khai thác từ vùng núi Tràng An, tầng đất được kết tinh các loại khoáng, kim loại quý, cao lanh, đất sét và phù sa. Đất sau khi khai thác được phơi ủ trên 5 năm để khử hoàn toàn khí dơ, tạp chất, rất sạch và "chín". Sau đó, đất được lọc kỹ và nghiền liên tục 72 tiếng (gấp 3 lần thời gian nghiền các loại đất làm ấm thông thường) để làm cho ấm bóng và mịn đẹp. Ai nấy nghe đều rất thích thú.

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Sơn Dung Trà (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Thông qua Chương trình lần này, lần đầu tiên cơ sở An Thổ Túc đưa nhiều sản phẩm tiêu biểu đến trưng bày, giới thiệu, tôi được biết thêm các dòng sản phẩm trà cụ mới, đẹp. Thời gian tới, chúng tôi có thể dùng bộ trà cụ này gắn kèm với sản phẩm chè của HTX để làm quà biếu.

Cũng tại Chương trình, các “nhà trà” ở Thái Nguyên còn được một số nghệ nhân chia sẻ về tư duy làm trà nâng cao giá trị kinh tế. Thuộc thế hệ 8X nhưng đã có hơn 20 năm nghiên cứu về trà của nhiều quốc gia trên thế giới và bước đầu thành công trên hành trình đưa trà cổ Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái) xuống núi, vươn tầm thế giới, nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu nhận định: Thái Nguyên có lợi thế là vùng chè lớn nhất cả nước và người dân có kinh nghiệm làm chè. Tuy nhiên, trà của Thái Nguyên cũng như đa số các tỉnh, thành phố chủ yếu bán thô nên giá trị chưa cao. Vì thế, người dân cần thay đổi tư duy làm trà kiểu mới.

Chia sẻ về tư duy làm trà kiểu mới, nghệ nhân Đào Đức Hiếu dẫn chứng câu chuyện bánh trà - “Thập Trà Long Đỉnh” đã được bán đấu giá 30 triệu đồng/một bánh trà 357g. Đây chính là sản phẩm được nghệ nhân Hiếu và những người làm trà vận dụng tư duy làm trà kiểu mới, đó là “tôi bán chè mà ông nội tôi làm và tôi làm chè cho cháu nội tôi bán”. Điều này có nghĩa là sản phẩm trà không bị giới hạn về thời gian sử dụng mà càng để lâu trà uống càng ngon, thậm chí còn trở thành dược liệu.

Không chỉ chất lượng, sản phẩm trà phải có câu chuyện. Giống như tên gọi bánh trà “Thập Trà Long Đỉnh” là để gợi nhớ đến vẻ đẹp hoang sơ và hương vị tinh khiết của lá chè được trồng tại 10 đỉnh núi trà nổi tiếng nhất Việt Nam. Điều đáng nói, kể từ khi ra mắt sản phẩm này vào năm 2024, nghệ nhân Đào Đức Hiếu chỉ sản xuất 126 bánh trà bán ra thị trường.

Đây chính là cách anh định vị thương hiệu - không “chạy” theo số lượng mà mỗi người chỉ được mua một bánh trà và chỉ bán cho người nào thực sự có hiểu biết về giá trị của trà. Với cách làm đó, nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu ấp ủ sứ mệnh sẽ nâng giá bánh trà từ 300 triệu đồng/kg lên 1 tỷ đồng/kg trong thời gian tới...

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các sản phẩm từ cây chè trong tỉnh Thái Nguyên cũng dần khẳng định vị thế. Toàn tỉnh có hàng chục sản phẩm đã được chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP, trong đó sản phẩm chè Tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt đã đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Hay như tại Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Thìn 2024, các sản phẩm đoạt giải trong phần thi Bàn tay vàng chế biến chè được đấu giá 252 triệu đồng.

Mặc dù những con số này còn khiêm tốn, song cũng cho thấy chính quyền địa phương cũng như các HTX, người làm chè đã quan tâm đến việc làm thế nào để sản phẩm trà được định giá, nâng tầm hơn trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, đơn vị có sản phẩm trà bán với giá 68 triệu đồng/kg, chia sẻ: Để đạt được kết quả đó, ngoài việc lựa chọn thành viên giàu kinh nghiệm trong khâu thực hành, chế biến thì tôi thấy vùng nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi đã lựa chọn nương chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, phân công người trông nom và bảo quản nghiêm ngặt nương chè trước đó hơn 1 tháng, kiểm tra thường xuyên hằng ngày về quá trình sinh trưởng, chăm sóc...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202407/lang-dong-gia-tri-van-hoa-tra-viet-tai-tan-cuong-f34060c/