Làng đúc đồng Phú Lộc Tây hồi sinh
Nằm cách TP Nha Trang gần 20km, nép mình bên dòng sông Cái hiền hòa, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), đã tồn tại hơn 200 năm có lẻ. Nơi đây là làng nghề sản xuất sản phẩm thờ cúng bằng đồng, cũng là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua bao thăng trầm của thời gian.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hàng chục lò nấu đồng ở làng nghề Phú Lộc Tây liên tục đỏ lửa để cho ra những sản phẩm như lư hương, chân đèn, lục bình, đài đựng nước, cổ bồng... phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài nước. Từ đầu làng, dễ bắt gặp cảnh xe chở hàng ra vào tấp nập, âm thanh rèn rẹt phát ra từ tiếng máy mô tơ mài sản phẩm.
Ở Phú Lộc Tây, hiếm ai còn nhớ rõ làng nghề có từ năm nào, nhưng theo những bậc cao niên thì không dưới 200 năm. Nghệ nhân Trần Thiện (68 tuổi, tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh) chỉ nhớ nghề có từ thời ông nội, ông ngoại, tới cậu ruột rồi mới đến ông.
Theo nghệ nhân Trần Thiện, chiếu theo sắc phong của vua Tự Đức thì làng nghề không dưới 220 năm, dân làng cũng căn cứ vào sắc phong này xem như chứng nhận về ngày giỗ nghề.
Nghề đúc đồng ở Phú Lộc Tây hoàn toàn làm thủ công, vì vậy người nào muốn theo nghề đều phải bắt đầu từ khâu nhỏ nhất như tạo khuôn, nấu đồng, đốt lò. Mỗi người đều chỉ học một đến hai công đoạn và phải mất 5-7 năm mới thành thạo.
Lúc tay nghề đã “cứng”, các lão nghệ nhân trong làng đánh giá đạt yêu cầu thì mới được gọi là nghệ nhân. Một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua ít nhất 6 công đoạn, từ làm khuôn đúc, nấu đồng, đổ vào khuôn, nung lò và ra sản phẩm. Mỗi công đoạn đều có nghệ nhân phụ trách, nếu một người “lạc nhịp”, sản phẩm chắc chắn bị lỗi và phải làm lại từ đầu. Những nghệ nhân cao niên cho biết, rất nhiều người tứ xứ đến Phú Lộc Tây có nguyện vọng học nghề, nhưng hầu hết không ai mang nghề về địa phương họ được.
“Tôi ví dụ, ai cũng nghĩ khâu làm khuôn hay đổ đồng vào khuôn có thể rất dễ học, nhưng nếu làm khuôn không chuẩn, sản phẩm bị lỗi thì coi như bỏ. Hay như công đoạn đổ đồng vào khuôn, nếu quá nhanh sẽ ra sản phẩm bị bọt khí, còn quá chậm đồng nguội cũng cho ra sản phẩm không như ý”, nghệ nhân Biện Ngọc Triền phân tích.
Những bậc cao niên ở làng Phú Lộc Tây kể rằng, thời hoàng kim, làng nghề đúc đồng có hàng trăm hộ làm nghề, xe chở hàng ra vào tấp nập. Sau đó một thời gian dài sản phẩm từ đồng ít người ưa chuộng, thương lái cũng không nhập hàng, hàng trăm hộ phải đóng lò, nhiều con cháu bỏ làng đi kiếm việc khác mưu sinh.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sản phẩm làng nghề Phú Lộc Tây bắt đầu chiếm lĩnh những thị trường khó tính như TPHCM, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, thậm chí còn xuất khẩu sang cả Campuchia, Myanmar và Lào. Hiện, làng nghề còn 10 lò nấu đồng với hơn 40 hộ gia đình theo nghề đúc đồng.
“Thị trường hiện có nhiều sản phẩm bằng đồng rẻ, mẫu mã đẹp, nên làng nghề cũng theo đó mà thay đổi. Chúng tôi đầu tư nhiều hơn cho khâu thẩm mỹ, nghiên cứu thị trường để từ đó tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xã hội. Tuy vậy, sản phẩm của làng chắc chắn không lẫn với các sản phẩm của nơi khác, chúng tôi vẫn giữ bản sắc riêng của mình”, nghệ nhân Biện Cư chia sẻ và mong muốn thế hệ con cháu sẽ không bỏ nghề ông cha để lại bởi đó cũng là một nét văn hóa truyền thống lâu đời.
Ông Nguyễn Văn Nhường, Giám đốc Hợp tác xã đúc đồng Phú Lộc Tây, cho biết, để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, làng nghề phải nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.
“Rất nhiều khách hàng đã tin tưởng, hài lòng với các sản phẩm của làng đúc đồng Phú Lộc Tây. Chúng tôi hy vọng sản phẩm của làng đúc đồng Phú Lộc Tây sẽ tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước hơn”, ông Nhường nói.
Theo ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, địa phương rất tự hào vì có làng nghề đúc đồng truyền thống hàng trăm năm tuổi. Để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá cũng như hỗ trợ về vốn để thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề, từ đó nâng cao giá trị, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-duc-dong-phu-loc-tay-hoi-sinh-post675918.html