Làng hoa giấy nổi tiếng miền Tây khoe sắc rực rỡ, chờ thương lái
Nhiều nhà vườn trồng hoa giấy ở làng hoa giấy Phú Sơn thấp thỏm lo âu khi còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết nhưng thương lái ghé vườn mua hoa giấy vẫn thưa vắng.
Làng hoa giấy Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, từ lâu nổi tiếng với nghề trồng hoa giấy Tết. Hằng năm nơi đây sản xuất hàng trăm ngàn chậu hoa giấy để cung ứng cho thị trường Tết ở khắp cả nước.
Năm ngoái, thời điểm những ngày cận Tết này các thương lái ở khắp nơi nườm nượp đổ về đây mua hoa giấy, tuyến đường chính dẫn vào làng hoa giấy Phú Sơn tấp nập, chật kín người và phương tiện vận chuyển hoa giấy đi tiêu thụ khắp nơi.
Nhưng năm nay, không khí mua bán hoa giấy tại vườn ở làng hoa giấy Phú Sơn khá trầm lắng.
Theo ghi nhận, vào ngày 23-1 (nhằm 13-12 âm lịch) hoa giấy ở làng hoa giấy Phú Sơn bắt đầu khoe sắc nhưng nhưng sức bán hoa giấy của bà con nơi đây còn chậm. Nhiều hộ sản xuất hàng ngàn chậu hoa giấy nhưng đến nay chưa bán được chậu hoa nào hoặc số lượng hoa giấy bán tại vườn còn ít khiến bà con vô cùng lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Thiện ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn than thở: “Năm nay gia đình tôi sản xuất hơn 1.000 chậu hoa giấy các loại. Thời điểm này năm ngoái gia đình tôi đã bán được khoảng một nửa, thế nhưng năm nay đã 13-12 âm lịch rồi mà vẫn chưa bán được chậu nào. Thương lái đến đây lưa thưa chứ không tấp nập như mọi năm.”
Tương tự, Tết năm nay hộ ông Cao Đức Tài ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn sản xuất hơn 2.000 chậu hoa giấy. “Thời điểm này mọi năm, vườn hoa giấy nhà tôi đã có thương lái đặt mua gần hết nhưng năm nay sức mua hoa chậm hơn rất nhiều. Gia đình tôi chỉ vừa bán được khoảng 500 chậu thôi, số còn lại hi vọng từ nay đến Tết sẽ bán hết”- ông Tài chia sẻ.
Hơn mười ngày nay, bà Nguyễn Thị Kiều Chinh và hộ bà Nguyễn Thị Sánh cùng ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn đều ngồi trước cổng nhà để đón thương lái đến mua hoa giấy, thế nhưng rất ít thương lái đến đặt mua hoa để đưa đi tiêu thụ các tỉnh như mọi năm.
Theo bà Chinh, năm nay gia đình bà sản xuất 2.000 chậu hoa giấy đủ loại có giá từ 60.000 đồng đến vài triệu đồng/chậu tùy loại. Hơn mười ngày nay, bà đã đem hoa ra dọc tuyến đường chính để trưng bán nhưng chỉ bán được một chậu duy nhất với giá 130.000 đồng, số lượng hoa tại vườn hiện còn rất nhiều.
“Vài ngày nữa nếu bán tại vườn không hết thì gia đình tôi sẽ di chuyển số hoa này lên bán tại chợ hoa xuân”- bà Chinh nói.
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Sơn cho biết, năm nay bà con ở xã Phú Sơn duy trì sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm hoa giấy để cung ứng cho thị trường Tết khắp cả nước.
“Năm nay thị trường hoa giấy Tết của bà con ở xã Phú Sơn tiêu thụ chậm, thương lái đến mua hoa giấy cũng ít hơn so với mọi năm. Đến thời điểm này, bà con trồng hoa giấy trong xã tiêu thụ được khoảng 30-40%. Hoa giấy còn tại vườn rất nhiều khoảng 60- 70% bà con chưa bán được” - ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, năm nay do tình hình kinh tế khó khăn giá bán hoa giấy bà con bán tại vườn cũng sụt giảm hơn so với mọi năm từ 15-20% nhưng vẫn ít người mua.
“Từ nay đến 20 Tết, nếu bán tại vườn không hết thì bà con cũng sẽ mang hoa giấy ra các hội chợ xuân khắp nhiều tỉnh, thành để tiêu thụ” - ông Đức cho biết.
Làng hoa giấy Phú Sơn không chỉ nổi tiếng với nghề trồng hoa giấy truyền thống, để đa dạng sản phẩm hoa giấy, nhà vườn nơi đây còn ghép thêm các giống hoa khác trên cùng một gốc. Từ đó, làng hoa giấy có thêm các loại hoa tam sắc, ngũ sắc trông rất bắt mắt.
Cùng với đó, những cây hoa giấy được người trồng chăm chút, uốn, tỉa, tạo hình thành gốc bon sai, gốc kiểng lớn để thu hút thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nhiều năm qua, nghề trồng hoa giấy ở Phú Sơn đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều hộ gia đình. Mỗi hộ trồng hoa giấy dịp Tết thu nhập trung bình khoảng 200-300 triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập lên đến 500 triệu đồng, thậm chí một tỉ đồng.
Hiện nơi đây đang được chính quyền địa phương và ngành chức năng định hướng phát triển nghề trồng hoa giấy gắn kết với hoạt động du lịch của địa phương.