Lăng kính chứng khoán 9/5: VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc tại 1055?
Nhà đầu tư cân nhắc giải ngân từ 15 – 30% tài khoản với những cổ phiếu đã có tích lũy tốt và tăng trở lại thuộc các nhóm hút lực cầu như chứng khoán, hóa chất.
Các nhóm ngành đồng loạt có diễn biến tích cực đã đẩy VN-Index đóng cửa tại mức cao nhất trong ngày, thanh khoản cũng đã có sự sôi động hơn các phiên trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5 VN-Index tăng 13,13 điểm, tương đương 1,26% lên 1.053,44 điểm. Toàn sàn có 255 mã tăng, 135 mã giảm và 53 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 3,12 điểm, tương đương 1,5% lên 210,92 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 61 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,82 điểm lên 78,38 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 26 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường đạt 12.802 tỷ đồng, tăng 19% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 16% lên 10.783 tỷ đồng. Tại nhóm VN30 nhà đầu tư sang tay 3.786 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một nhịp tăng điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên.
Mặc dù vậy, VN-Index sẽ sớm gặp áp lực rung lắc trở lại quanh ngưỡng cản đáng lưu ý 1.055 và chỉ số cần chinh phục hoàn toàn ngưỡng cản này để xác nhận quay trở lại xu hướng tăng điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỉ trọng trading đã mở tại các nhịp hồi phục, chạm vùng cản gần của các mã nắm giữ.
Chứng khoán VCBS: Xét về khung đồ thị giờ, việc thanh khoản mua chủ động bất ngờ gia tăng ngay từ đầu phiên sáng đã giúp cho các chỉ bảo hướng lên tích cực trở lại.
Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ có một vài phiên rung lắc trong biên độ hẹp quanh ngưỡng điểm này và sẽ tiếp tục nối dài đà tăng điểm, vượt ra khỏi vùng mây đỏ.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từ 15 – 30% tài khoản với những cổ phiếu đã có chuỗi phiên tích lũy tốt và bật tăng trở lại thuộc các nhóm ngành đang thu hút lực cầu như chứng khoán, hóa chất.
Chứng khoán TPS: Với phiên hồi phục 8/5, chỉ số đã tiến vào vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm, vùng giá có sự hội tụ của các đường MA quan trọng là SMA 20, SMA 50 và SMA 100 ngày.
Trong trường hợp thành công chinh phục kháng cự trên, chỉ số sẽ có cơ hội tìm về vùng đỉnh liền kể ở mức 1.080 điểm.
Tin vắn chứng khoán
- Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6%, tương ứng giảm 30,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 20,7 tỷ USD). Như vậy, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 67,4% mức sụt giảm kim ngạch của cả nước.
- Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản như một nỗ lực để kìm hãm lạm phát. "Triển vọng lạm phát tiếp tục ở mức quá cao trong khoảng thời gian quá dài", ECB cho biết trong tuyên bố. Với động thái này, lãi suất chuẩn của ECB sẽ tăng lên 3,25% từ ngày 10/5.
Quyết định trên được đưa ra khi số liệu cho thấy lạm phát tổng thể ở mức 7% trong tháng 4/2023. Trong khi đó, lạm phát lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - giảm nhẹ xuống 5,6%.
- Tuần qua (1/5-5/5), đồng USD tiếp tục rớt giá trên thị trường quốc tế sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất như nhiều kỳ vọng trước đó và phát tín hiệu về việc tạm dừng nâng lãi suất thêm. Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index giảm 0,39 điểm sau 1 tuần, còn 101.282 điểm.
Giá USD tiếp tục giảm sau khi Fed quyết định nâng lãi suất như nhiều kỳ vọng trước đó và phát tín hiệu về việc tạm dừng nâng lãi suất thêm. Cụ thể, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản để dập tắt áp lực lạm phát khiến giá cả thị trường tăng cao hơn mức mục tiêu 2%.