Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc tất bật đón Tết Giáp Thìn
Về làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) những ngày cận Tết, dễ dàng nhận thấy không khí tấp nập, khẩn trương bao trùm khắp làng nghề. Nhiều gia đình đang tất bật rửa lá dong, vo gạo, gói bánh,... để kịp ra lò những chiếc bánh chưng thơm ngon phục vụ thị trường ngày Tết.
Nhắc đến làng Tranh Khúc, người dân và nhiều khách phương xa sẽ nhớ ngay đến những chiếc bánh chưng dẻo, thơm ngon trong mỗi dịp Tết đến.
Hiện, làng nghề có 140 hộ dân làm bánh chưng và trung bình mỗi năm các hộ sản xuất được khoảng 10.000 chiếc bánh. Khoảng 70% số bánh chưng này phục vụ khách hàng tại Hà Nội, còn lại là phục vụ khách hàng của các tỉnh, thành phố khác và xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Yên (60 tuổi), chủ xưởng bánh chưng Yên Hùng cho hay, những ngày này gia đình bà nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mỗi thành viên một công đoạn, từ rửa lá dong, ngâm gạo, thái thịt, đồ đỗ đến gói bánh, luộc bánh... Ai cũng luôn tay, luôn chân, thực hiện các công đoạn một cách nhuần nhuyễn nhưng cũng vô cùng tỉ mỉ, thận trọng.
Cũng theo bà Yên, để hoàn thiện một chiếc bánh chưng ngon thì khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Lá dong phải là lá dong nếp, to bản, không được rách, được rửa sạch, lau khô, để khi gói vừa tạo được sắc xanh tự nhiên cho vỏ bánh khi luộc chín, bánh sẽ thơm. Gạo nếp bánh chưng cần chọn loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng 10 - 12 giờ bằng nước lạnh, sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà.
Phương thức làm bánh chưng ở Tranh Khúc cũng kỳ công hơn so với vùng miền khác. Bánh chưng thông thường được gói bằng đỗ sống nhưng ở Tranh Khúc, đỗ sau khi tách vỏ sẽ được trộn muối và hấp trong vòng nửa tiếng cho đến khi bở, rền. Khi đồ, người dân sẽ cho một ít gạo nếp vào đồ cùng để dẻo và ngon hơn. Ngoài ra, nhân của bánh chưng Tranh Khúc được nắm tròn với lớp đậu bao quanh thịt. Tuy nhiên, không lấy đậu bọc kín thịt mà luôn để hở, khi luộc bánh mỡ chảy ra thấm vào lớp vỏ gạo.
“Những ngày này, nhiều khách hàng đã vào tận làng để mua bánh. Chiếc bánh cỡ vừa có giá từ 30.000 - 40.000 đồng, bánh to hơn thì khoảng 50.000 - 70.000, có loại lên đến 100.000 - 120.000 đồng tùy theo khối lượng khách đặt”, bà Yên chia sẻ.
Với 40 năm kinh nghiệm làm bánh, bà Lý Thị Lịch (63 tuổi) đang hoàn tất đơn hàng bánh để kịp giao ra chợ truyền thống. Bà Lịch chia sẻ, những ngày cận Tết là những ngày vất vả nhất, phải thuê thêm nhân công mới kịp hoàn thiện tiến độ. Bởi vào những ngày 27, 28 tháng Chạp trở đi, lượng khách đặt bánh về cúng bàn thờ tổ tiên rất đông, có khi phải làm đến 1.000 chiếc.
Bà Lịch cũng cho biết thêm, điểm khác biệt của bánh chưng làng Tranh Khúc so với những nơi khác là nghệ nhân sẽ gói bánh bằng tay nhưng rất chắc chắn, vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp. Vì vậy, dù luộc bánh 9-10 tiếng nhưng vớt ra không bị nhão. Bánh cũng dẻo, thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, người gói bánh phải khéo léo và có kinh nghiệm trong việc bỏ nhân, đổ nếp và cuốn lá thì bánh mới có hình dạng đẹp.
Hiện nay, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống làm bánh chưng. Chính quyền địa phương luôn sát sao, tạo điều kiện, tổ chức các lớp tập huấn, vận động bà con đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như lưu giữ nghề truyền thống của ông cha. Không chỉ đơn thuần là món ăn, bánh chưng Tranh Khúc còn mang đậm giá trị truyền thống, là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Hà Thành mỗi khi Tết đến.