Làng nghề bánh tráng 500 năm tuổi vào vụ Tết
Đã bắt đầu những chuyến xe chở đầy bánh tráng đặc sản của làng cổ Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tỏa đi nhiều nơi trên thành phố và theo du khách đi về nhiều vùng miền. Cận Tết, nhịp thở của làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan sôi động hơn ngày thường, đây cũng là thời vụ hàng chục hộ dân nơi đây làm việc hết công suất, để kịp giao bánh cho khách hàng.
Trở lại làng cổ Túy Loan, những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi có dịp gặp lại nhiều hộ gia đình đã và đang nối liền mạch thở của làng nghề, chăm chút từng chiếc bánh, với niềm tự hào chưa bao giờ nguôi cạn.
Thăm các hộ gia đình còn giữ nghề gia truyền này, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Đặng Bê (68 tuổi), trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, và được nghe ông tâm sự về nghề. Ông nói không nhớ làm bánh từ bao giờ nhưng tính theo tuổi mình, thì đã gần 50 năm qua, mỗi độ Tết Nguyên đán cận kề, nhà ông lại đỏ lửa tráng bánh.
“Hàng trăm năm qua, cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, các lò bánh trong thôn đều đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu người dân, du khách mua bánh phục vụ Tết. Làm bánh tráng trở thành kế sinh nhai của gia đình ông và các hộ dân khác trong làng. Đặc biệt, đây là làng nghề truyền thống, việc giữ lửa cho làng nghề lại càng quan trọng hơn”, ông Đặng Bê tâm sự.
Nhiều người trong làng chia sẻ bí quyết để có được sản phẩm bánh tráng Túy Loan trở thành sản phẩm đặc trưng, phải chăm chút từ nguyên liệu gạo, mè và thời gian ngâm gạo.
Các hộ dân phải chuẩn bị sẵn nguyên liệu và ngâm gạo từ tối hôm trước để đến rạng sáng hôm sau rồi xay thành bột và tráng bánh.
Tỷ lệ thường là gạo phải là gạo 13/2 pha với tỷ lệ 1 ang gạo trộn kèm 12 lon mè trắng (vừng trắng). Bột trước khi trộn gia vị phải xay nhuyễn rồi hòa thêm với nước để có độ lỏng phù hợp, sau đó lọc qua 1 lượt để bột mịn, sạch sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người làm bánh phải hội đủ các kỹ thuật từ cách tráng bánh, gỡ bánh và xông bánh để cho ra lò chiếc bánh thơm ngon.
Đối với người dân địa phương nơi đây, bánh tráng Túy Loan là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên và bữa ăn của mỗi gia đình. Chiếc bánh hình tròn trọn vẹn như mong ước của nhiều gia đình một năm tròn đầy hạnh phúc, sum vầy. Bánh tráng Túy Loan còn là món ăn kèm không thể thiếu trong ẩm thực xứ Quảng với món mỳ Quảng nổi tiếng.
Chiếc bánh tráng ngon phải được chế biến đủ năm thứ gia vị mắm, muối, đường, tỏi và mè. Cách pha chế này được xem như là bí quyết, một nghệ thuật của làng để bánh tráng có hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào sánh được.
100% bánh tráng ở đây được làm hoàn toàn thủ công nên mang hương vị đặc trưng khác hẳn ở nơi khác. Bánh tráng Túy Loan sau khi tráng xong không đem phơi nắng mà được hơ trên lửa than (xông).
Bà Trần Thị Luyện (70 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) chia sẻ, không nhớ là đã làm được bao lâu. Từ thời ông bà rồi đến cha mẹ rồi đến mình, cứ thế hệ trước đến thế hệ sau như thế. Bánh được xông ăn rất giòn, có thể để quanh năm mà không lo bị mốc, khi ăn có thể ngửi được mùi vị thoang thoảng của tỏi, gừng và có vị ngọt của đường.
Là làng nghề truyền thống với tuổi đời hơn 500 năm, đối với người dân Túy Loan, chiếc bánh tráng không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng đặc biệt.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang đầu tư khôi phục làng nghề truyền thống này với gắn phát triển du lịch làng nghề với kỳ vọng sẽ khôi phục lại làng nghề ngày càng phồn thịnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lang-nghe-banh-trang-500-nam-tuoi-vao-vu-tet-post734009.html