Làng nghề chè ở Phú Lương: Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm
Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 45 làng nghề chè (LNC), trong đó có 10 LNC truyền thống, tập trung ở 4 xã: Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc, với tổng diện tích trồng chè khoảng 2.000ha. Những năm gần đây, người dân các LNC chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ; đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất… Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập từ cây chè.
Bbà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Để nâng cao giá trị các sản phẩm của các LNC, LNC truyền thống, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi sáng trồng các giống chè cho năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Đơn vị cũng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tập huấn cho người dân về sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ; tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ máy sao chè, vò chè, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp giấy chứng nhận VietGAP; đồng thời duy trì và phát triển nhãn hiệu “Chè Phú Lương” (được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ đầu năm 2021), nhãn hiệu tập thể “Chè Vô Tranh”, “Chè Tức Tranh”…
Hiện nay, tại các LNC trên địa bàn huyện đã có 40 tổ hợp tác sản xuất chè được thành lập, với trên 4.600 lao động. Nếu như năm 2019, chè giống mới tại các LNC chỉ chiếm 50% diện tích thì nay đạt 70%, chủ yếu là các giống: LDP1, TRI777, phúc vân tiên, bát tiên, phúc thọ, kim tuyên…
Cùng với đó, người dân tại các LNC tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các các công đoạn: trồng, chăm sóc, chế biến… để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Đơn cử, tại LNC Trung Thành 2, xã Vô Tranh, có 93 hộ dân thì toàn bộ đều tham gia sản xuất, chế biến chè. Làng nghề hiện có 30ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 15/30ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn này.
Bà Tống Thị Xuyến, Trưởng xóm kiêm Trưởng LNC Trung Thành 2, cho hay: Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc để chăm sóc cây chè; đầu tư thiết bị sao, vò chè… vào quy trình sản xuất để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt nhất. Hiện nay, sản lượng chè búp tươi của Làng nghề đạt gần 300 tấn/năm; giá bán chè búp khô trung bình từ 200-250 nghìn đồng/kg, với những hộ làm chè có “thương hiệu” giá bán đạt từ 300 nghìn đồng/kg trở lên, trong đó có những dòng chè cao cấp có giá bán hàng triệu đồng/kg; thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2017)…
Còn tại LNC Khe Cốc, xã Tức Tranh, khoảng 5 năm trở lại đây, 120/143 số hộ làm chè đã và đang sản xuất chè theo quy trình hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Tỵ, Trưởng LNC Khe Cốc, cho hay: Sau khi tham gia tập huấn về sản xuất chè an toàn do huyện tổ chức, tại các cuộc họp xóm và trên các đồi chè, chúng tôi đều chia sẻ để bà con nắm bắt, hiểu rõ và áp dụng vào sản xuất theo đúng quy trình. Nhờ đó không những góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất chè, mà còn tạo ra các sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Hiện, trong tổng số 72ha chè thì làng nghề đã có 20ha được chứng nhận hữu cơ; 23,5ha đang tiếp tục thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ; 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân trong Làng nghề đang xây dựng mã số vùng trồng cho toàn bộ 72ha chè hiện có.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phú Lương đã có trên 1.000ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 34ha chè được chứng nhận hữu cơ; 71,45ha chè được kiểm định đạt tiêu chuẩn, chất lượng và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số vùng trồng; 18 sản phẩm trà được công nhận OCOP 3-4 sao.
Năm 2023, năng suất chè toàn huyện đạt 120 tạ/ha (tăng 3 tạ/ha so với năm 2019); giá trị thu được đạt 310-330 triệu đồng/ha. Tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt khoảng 600 tỷ đồng (tăng khoảng 90 tỷ đồng so với năm 2019). Thu nhập bình quân của người dân tại các làng nghề đạt 6 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 1 triệu đồng so với 5 năm trước)...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm: Thời gian tới, để các sản phẩm trà của địa phương ngày càng chiếm lĩnh thị trường, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân tại các LNC về kỹ thuật chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất; tham mưu với UBND huyện hỗ trợ máy móc, thiết bị sao, vò chè, đóng gói sản phẩm; rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, hữu cơ, có định hướng xuất khẩu để xây dựng chính sách, kế hoạch hỗ trợ cấp mã vùng trồng; tiếp tục tổ chức lễ hội vinh danh các LNC gắn với quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện…