Làng nghề đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở Quảng Nam
Phước Kiều, làng đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, là một trong số những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Quảng Nam.
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp, vùng đất có nền văn hóa lâu đời này còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống.
Phước Kiều, làng nghề đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là một trong số đó.
Đông đảo du khách tới đây đã ngạc nhiên trước sự khéo léo, sáng tạo của các nghệ nhân cũng như vẻ đẹp của sản phẩm đồ đồng Phước Kiều.
Theo nhiều nghệ nhân cao tuổi trong làng Phước Kiều cũng như tài liệu sử sách ghi lại, làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều được hình thành, phát triển từ những năm đầu của thế kỷ XVII, do một số người theo chúa Nguyễn và quân Tây Sơn vào khu vực dinh trấn Thanh Chiêm để rèn, đúc chuông, chiêng, các dụng cụ nồi, niêu, xoong, chảo..., phục vụ dinh trấn, sau đó truyền lại cho người dân địa phương.
Ông Dương Ngọc Tiễn, nguyên Chủ tịch Hội người đúc đồng Phước Kiều, cho biết hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều có 3 doanh nghiệp tư nhân, 7 cơ sở hộ gia đình đang làm nghề đúc đồng truyền thống của làng, thu hút 41 lao động.
Bình quân mỗi năm, từ 7 tấn đồng nguyên liệu, làng nghề sản xuất được khoảng 6 tấn sản phẩm chuông, chiêng, tượng, đồ mỹ nghệ trang trí nội thất và một số sản phẩm làm theo mẫu mã khách hàng yêu cầu, đạt doanh số khoảng 3 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, nguyên liệu, chất đốt, điện, nhân công, hao mòn công cụ,... làng nghề còn lãi được khoảng 600 triệu đồng.
Hiện nay, các sản phẩm do làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều sản xuất là thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường.
Các sản phẩm chuông, chiêng, đồ mỹ nghệ,... làng tạo ra được mọi người ưu tiên lựa chọn bởi vẻ đẹp hài hòa, âm thanh vang, vọng, bền...
Để được thị trường tin dùng, tất cả các sản phẩm do làng nghề sản xuất đều được các doanh nghiệp, nghệ nhân thực hiện bằng phương thức thủ công, với kinh nghiệm, sự tỉ mỉ và sáng tạo.
Chính quyền các cấp đã có chính sách để bảo tồn làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều.
Tuy nhiên, theo các nghệ nhân của làng nghề, để phát huy, phát triển làng nghề Phước Kiều hơn nữa, thời gian tới, chính quyền các cấp cần nhanh chóng có nhiều chính sách khuyến công, hỗ trợ trang thiết bị, hệ thống đường giao thông để nâng cao giá trị sản xuất; hỗ trợ người dân làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Đồng thời, Nhà nước cần nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông của làng nghề để tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nguyên liệu, chất đốt... đi lại, lưu thông hàng hóa dễ dàng; để làng trở thành một trong những điểm đến của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm ở phố cổ Hội An.
Qua đó, góp phần quảng bá làng nghề ra với thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, làm động lực thu hút nhân lực trẻ đến làm việc tại làng nghề.
Anh Dương Minh, chủ một cơ sở đúc đồng tại làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều, cho biết để bảo tồn, phát triển làng nghề, chính quyền các cấp cần có chính sách ưu đãi hơn nữa để người dân làng nghề đảm bảo cuộc sống, yên tâm sản xuất, thỏa mãn niềm đam mê nghề, góp phần phát triển làng nghề. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực trẻ đến với nghề đúc đồng./.