Lắng nghe, giải quyết những bức xúc của nhân dân

Thực hiện quy định của Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) luôn cầu thị lắng nghe, quyết liệt trong giải quyết bức xúc của nhân dân, được nhân dân đánh giá cao.

Hàng tháng, Bí thư Huyện ủy Châu Thành tổ chức tiếp dân định kỳ vào ngày 28; trường hợp trùng vào thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ sẽ tiếp công dân vào ngày làm việc kế tiếp.

Bí thư Huyện ủy còn tiếp dân đột xuất khi có vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau; vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng việc tiếp công dân, hàng quý, đồng chí Bí thư Huyện ủy tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, đoàn viên, hội viên.

Đồng chí Lâm Minh Công - Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết: Để sâu sát tình hình cơ sở, kịp thời tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị bức xúc của nhân dân, đoàn viên, hội viên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đưa việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại vào chương trình công tác hàng quý của cấp ủy, chính quyền. Cấp huyện mỗi quý tổ chức 1 cuộc, cấp xã mỗi tháng tổ chức 1 cuộc theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết. Hình thức, nội dung gặp gỡ, đối thoại với nhân dân phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, cơ sở.

Đồng chí Lưu Hồng Cưng (bàn chủ tọa) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) chủ trì cuộc họp hội đồng hòa giải xã, chuẩn bị nội dung để tiếp công dân theo quy định. Ảnh: TÂY HỒ

Chị em bà D.T.T và ông D.T, ngụ ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, trước đây tranh chấp thừa kế là quyền sử dụng 2.000m2 đất do cha mẹ để lại. Bà T kể cha mẹ bà để lại phần đất trên cho bà nhưng ông T chiếm sử dụng, không chịu trao trả. Bà viết đơn gửi ban lãnh đạo ấp đề nghị xử lý. Qua hòa giải ở ấp, ông T nhất quyết không chịu trao trả đất.

Sự việc được chuyển đến xã, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng hòa giải xã Vĩnh Hòa Hiệp tổ chức tiếp chị em bà T để giải quyết vụ việc.

Qua vận động, thuyết phục, giải thích cho hai bên, cuối cùng chị em bà T thống nhất và đồng thuận cao với cách giải quyết của xã, buộc ông T trao trả đất cho chị mình. “Xã làm việc công tâm, có trách nhiệm, tôi đánh giá rất cao sự gần gũi, cầu thị của người đứng đầu xã với người dân”, bà T chia sẻ.

Không riêng trường hợp chị em bà D.T.T, nhiều trường hợp khác ở xã Vĩnh Hòa Hiệp cũng được giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích khi được người đứng đầu xã tiếp và đối thoại.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Hòa Hiệp Võ Tấn Sĩ cho biết: “Khi tiếp hoặc đối thoại với nhân dân, lãnh đạo xã đều mời các ngành có liên quan để giải quyết dứt điểm yêu cầu chính đáng của người dân đưa ra. Mặc dù hàng tháng đều có lịch tiếp công dân định kỳ nhưng khi người dân lên xã, yêu cầu gặp thì chúng tôi vẫn tiếp đột xuất và giải quyết. Người dân có việc mới lên gặp mình, không thể mời họ về mà không giải quyết được”.

Từ giữa năm 2022 đến nay, đồng chí Lâm Minh Công đối thoại 3 cuộc với nhân dân, đoàn viên, hội viên. Tại các cuộc đối thoại, nhân dân, đoàn viên, hội viên đều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn, cởi mở.

Gần đây nhất là ngày 24-4, tại buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Châu Thành nhận được 10 lượt ý kiến, kiến nghị. Đồng chí Lâm Minh Công đã chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể của huyện giải quyết từng vấn đề, ngay tại buổi đối thoại. Các buổi đối thoại đều nhận được sự đồng tình cao của nhân dân, đoàn viên, hội viên.

Theo Huyện ủy Châu Thành, thực hiện Quy định 11-QĐi/TW, cấp huyện tổ chức được 5 cuộc, tiếp nhận 26 đơn của công dân; cấp xã, thị trấn tổ chức được 89 cuộc, tiếp nhận được 45 đơn. Hầu hết ý kiến, kiến nghị, đơn thư của nhân dân đều được giải quyết thỏa đáng, tạo đồng thuận cao.

Đồng chí Lâm Minh Công cho biết: “Tổ chức gặp gỡ, đối thoại phải công khai, khách quan, dân chủ, bình đẳng, có tính xây dựng và phù hợp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền và nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Sau mỗi cuộc gặp gỡ, đối thoại, chúng tôi đều ban hành thông báo kết luận, trả lời những kiến nghị, đề xuất của nhân dân, đoàn viên, hội viên. Lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân giải quyết kịp thời, đến nơi, đến chốn các yêu cầu, kiến nghị hợp lý, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên”.

TÂY HỒ - TRẦN THÍCH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xay-dung-dang/lang-nghe-giai-quyet-nhung-buc-xuc-cua-nhan-dan-13944.html