Làng nghề, nghề truyền thống góp phần xây dựng nông thôn mới
Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đây không những là một nguồn nội lực giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, mà còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Thực hiện chương trình XDNTM, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) đã có nhiều đổi thay tích cực. Những ngôi nhà cấp 4 được thay thế bằng những nhà cao tầng khang trang, toàn bộ đường giao thông, đường nội đồng được bê tông hóa. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Có được kết quả này chủ yếu nhờ nghề trồng hoa, cây cảnh của thôn phát triển. Hiện cả xã có khoảng 700 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt hơn 65 triệu đồng/năm. Đời sống của người dân tăng cao nên việc huy động sức dân trong XDNTM được thuận lợi. Xã đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao trong năm 2023.
Ông Hà Xuân Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Lý, khẳng định: “Một trong những mục tiêu chính của XDNTM là tạo dựng bộ mặt văn hóa - xã hội đậm đà bản sắc địa phương. Những giá trị mà làng nghề mang lại chính là nguồn nội lực lớn giúp địa phương nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao. Xã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là nâng cao thu nhập bình quân của người dân nên việc phát huy giá trị làng nghề, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ là giải pháp cụ thể giúp địa phương thực hiện mục tiêu này”.
Với mục tiêu duy trì và bảo tồn nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với XDNTM, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hoan, làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) chia sẻ: “Trước kia mạng xã hội chưa phát triển, chúng tôi chỉ bán được hàng trực tiếp và qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân thôi. Sau khi đưa lên các trang mạng xã hội thì khu làng nghề được khách hàng biết đến nhiều hơn, mức tiêu thụ của gian hàng cao hơn, sản phẩm được đưa ra ngày càng phong phú, đa dạng hơn”.
Một trong những mục tiêu của Chương trình XDNTM là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Việc phát triển nghề ở các địa phương liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, địa phương nào có làng nghề phát triển, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho lộ trình XDNTM. Chính vì vậy, việc XDNTM gắn với xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động cho nông nghiệp, nông thôn.
Những năm qua, UBND tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, như: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai chương trình đào tạo nghề, thu hút vốn đầu tư, khôi phục lại làng nghề, xúc tiến thương mại... Toàn tỉnh hiện có hơn 160 nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống. Các làng nghề hoạt động với các nhóm ngành nghề chính gồm: chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sơ chế nguyên vật liệu; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh... Nhiều làng nghề được duy trì và phát triển ổn định. Một số làng nghề có tiềm năng phát triển mạnh, có giá trị thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là lao động nông nhàn. Sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển ngành dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần XDNTM. Những năm gần đây, tổng giá trị sản xuất hàng năm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 16.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Đời sống của người dân nơi có làng nghề thường cao hơn so với các vùng thuần nông khác. Các làng nghề tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập người dân. Khi các làng nghề được khôi phục, phát triển, với những nét văn hóa độc đáo, nó sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn góp phần nâng cao đời sống của người dân. Do đó, trong quá trình XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương phải gắn với việc gìn giữ và phát triển làng nghề, xây dựng các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc của làng nghề”.