Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển đồng bộ không gian ngầm
Cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch...
Quỹ đất hạn hẹp, dân số tăng nhanh, giao thông ùn tắc, kinh tế - xã hội đã phát triển đến mức có nhiều nhu cầu sử dụng các công năng không gian ngầm. Tuy nhiên, việc tận dụng và phát triển không gian ngầm ở TP HCM còn rất hạn chế.
Cần sớm triển khai
Nhà ga metro trung tâm và các ga ngầm trên tuyến metro số 1 hiện là không gian ngầm lớn nhất của thành phố. Bên cạnh đó là đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nối liền quận 1 và TP Thủ Đức. Các không gian ngầm còn lại phổ biến ở các trung tâm thương mại, hầm nhà cao tầng, hầm đi bộ, hầm chui… Hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa nhiều, thiếu kết nối, chưa quy hoạch tổng thể.
Nguyên nhân không gian ngầm tại thành phố còn nhiều hạn chế là do hành lang pháp lý cho không gian ngầm chưa hoàn thiện, thiếu các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn; chậm về quy hoạch; cơ chế chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm.
Để bảo đảm một hệ thống giao thông đô thị hoàn chỉnh, bền vững trong tương lai, nên nghiên cứu không gian ngầm kết nối giữa trung tâm thành phố hiện hữu và trung tâm mới Thủ Thiêm, nơi mà dư địa khá thuận lợi để phát triển không gian ngầm.
Cần quy định rõ các công trình, dự án bắt buộc phải có tầng hầm. Học tập các mô hình thành công trên thế giới về kết nối các đường hầm với nhau để có thêm một lối đi tắt, "chia lửa" với giao thông bên trên, hướng đến xây dựng các đường hầm dẫn trực tiếp ra sân bay, ga xe lửa…
Khuyến khích kết nối các ga metro dưới tầng hầm để người dân có thể đi vào trung tâm thương mại, khu vực công cộng, nhà hát…
Cần làm tốt công tác quy hoạch, đưa ra chính sách để buộc tất cả công trình đô thị trong khu vực phải mở kết nối ngầm. Đây là động lực thu hút nhà đầu tư, giúp thành phố dễ dàng có được nguồn lực để tiếp tục phát triển không gian ngầm.
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Bất cập lớn nhất trong phát triển công trình ngầm, không gian ngầm đô thị hiện nay là quy định khác nhau giữa các luật hiện hành. Vì vậy, cần có quy định, hướng dẫn chung về phát triển không gian ngầm đô thị.
Đầu tiên phải xác định được hiện trạng phát triển không gian ngầm ở các đô thị; tiếp đó, xây dựng nội dung quy hoạch không gian ngầm; xây dựng bản đồ địa chất từng khu vực đô thị để từ đó xác định chính xác số tầng ngầm được phép xây dựng trên từng khu đất.
Phát triển không gian ngầm là tất yếu. Với đặc điểm là chi phí xây dựng cao, thời gian sử dụng lâu dài, không dễ sửa chữa, không dễ dỡ bỏ, muốn phát triển không gian này một cách bền vững, cần ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ.
Ban hành các văn bản về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, thi công, khai thác sử dụng không gian ngầm.
Xây dựng các quy định về cơ chế tài chính để tạo kinh phí duy trì, duy tu vận hành, đặc biệt với các khu vực không gian ngầm công cộng.
Quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi cùng khai thác không gian ngầm thành phố; xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất một cách thỏa đáng…
TP HCM cần kiến nghị các cơ quan soạn thảo đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn về các nội dung liên quan đến không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không và đưa ra các luận cứ khoa học, báo cáo chi tiết về những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hợp lý. Rà soát lại các quy định cho thống nhất, có sự liên kết với các luật khác.
Tập trung ưu tiên nguồn lực, có kế hoạch xây dựng các không gian ngầm đã được quy hoạch tương ứng với thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về lĩnh vực khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm.
Phải có chính sách ưu đãi cụ thể, nhất quán, bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các hệ thống công trình ngầm của thành phố.