Lắng nghe người dân hiến kế: Rộng đường phát triển Cần Giờ
Khi được mở đường phát triển, Cần Giờ sẽ trở thành một động lực mới cho cả vùng Đông Nam Bộ
TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, trong đó có rất nhiều dự án lớn, công việc phải làm cho Cần Giờ liên quan đến hàng loạt lĩnh vực, cơ quan, ban, ngành trong công tác tổ chức và phối hợp.
Tập trung cho dự án lớn
Mỗi dự án lớn ở Cần Giờ được triển khai, hoàn thành đều tạo sức bật lớn. Ví dụ cảng trung chuyển quốc tế thúc đẩy các ngành dịch vụ, tạo nhu cầu chỗ ở và việc làm cho hàng ngàn lao động, logistics kéo theo phát triển hạ tầng, giá trị đất tăng cao, nhà đầu tư thấy có lợi sẽ tìm đến, thu hút các doanh nghiệp vận tải và tài chính hàng hải lớn trên thế giới đến đặt văn phòng đại diện. Bên cạnh phân bổ nguồn vốn, hướng đến đa dạng hóa các hình thức thực hiện, xã hội hóa sao cho thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ. Chọn một "tổng công trình sư" đủ thẩm quyền chỉ đạo, kết nối phối hợp giữa các bên, tháo gỡ kịp thời các trở ngại trong quá trình thực hiện.
Dự án cầu Cần Giờ rất quan trọng, giúp lan tỏa theo phản ứng dây chuyền nên cần làm ngay. BT trả chậm kết hợp đầu tư công nhằm chủ động sớm khởi công và hoàn thành, khai thác quỹ đất lân cận đấu giá chuyển thành tiền tái đầu tư. Nếu áp dụng BOT, thu phí khi qua lại sẽ hạn chế sự hấp dẫn với Cần Giờ.
Tận dụng cơ hội cao tốc Bến Lức - Long Thành đi ngang qua địa bàn để kết nối giao thông, những đoạn đường dẫn này hoàn toàn có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách giúp chủ động thực hiện đồng bộ với cao tốc.
Nghiên cứu mở thêm đường thủy nội địa thông với Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ chuyển tiếp đến 2 cù lao ra sông Thêu, vừa phục vụ phát triển kinh tế địa phương và các hoạt động hàng hải cho cảng trung chuyển quốc tế.
Phát triển theo hướng xanh - sạch
Chuẩn bị mặt bằng, cụ thể là các quỹ đất được xây dựng cơ sở hạ tầng có sẵn điện, nước phục vụ các khu công nghiệp phát triển theo hướng xanh và sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Có thể xem đây là khâu "lót ổ" đón "đại bàng", chính quyền hỗ trợ làm thủ tục, thêm cơ chế giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập…, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động. Một khi thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thì tự khu vực đó lan tỏa giá trị, kéo theo các đối tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng càng tự thân đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy các lĩnh vực phát triển kinh tế, du lịch, đô thị. Các nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ tạo sức lan tỏa lớn mang đến giá trị cao cho khoa học, công nghệ, giáo dục, bảo vệ môi trường, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác tham gia vào chuỗi cung ứng.
Nên có một nghị quyết riêng cho Cần Giờ để quyết định các vấn đề cơ bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân thực hiện hiệu quả với lộ trình hoàn thành làm cơ sở triển khai, phổ biến rộng rãi.
Cần Giờ rất thích hợp cho mô hình phát triển xanh, trở thành nơi hoạt động nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh, phát triển xanh cho cả nước và quốc tế. Đó là các trung tâm nghiên cứu và cung cấp các loại cây giống trồng đường phố, công viên, nông thôn hóa đô thị; trồng cây trong rừng ngập mặn, môi trường nước lợ… Nơi tư vấn về nông nghiệp, thực phẩm xanh gồm các loại rau quả và thảo dược.
Phát huy không gian biển, rừng ngập mặn, mở thêm tour khám phá các khu dự trữ sinh quyển với các khu vực ven biển có các cửa sông lớn như Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Tổ chức các trò chơi mới như chèo sup, lướt ván, bơi lội, hoa đăng, thưởng thức du thuyền, biểu diễn nhạc nước lồng ghép kể câu chuyện lịch sử Cần Giờ.
Giữ gìn chợ truyền thống, phát triển siêu thị xanh, sản phẩm hữu cơ với đặc sản địa phương. Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa thu hút thêm du khách, tập trung vào những chương trình đặc sắc như lễ hội Nghinh Ông và đa dạng hóa các hình thức du lịch sinh thái rừng Vàm Sát, rừng ngập mặn Cần Giờ. Phát huy thế mạnh tự nhiên có sẵn để xây dựng các đô thị ven sông, công viên trong rừng càng hấp dẫn du khách cũng như người dân nơi khác đến tiêu dùng, tận hưởng cảnh quan, thưởng thức món ăn đặc sản Cần Giờ.
Xây dựng biểu tượng
Mục đích xây dựng biểu tượng nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh mỗi địa danh, đô thị, thành phố, quốc gia trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và hội nhập. Đồng thời khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của người dân ở địa phương đó.
Cần Giờ trải qua nhiều thăng trầm, có những công trình và thành tựu mang dấu ấn riêng nhưng chưa đủ sức trở thành biểu tượng.
Mảng xanh, nông sản hay đường Rừng Sác có thể là một trong các tiêu chí xem xét để lựa chọn. Song biểu tượng cho một đô thị trong giai đoạn phát triển trở thành động lực mới nên có tính thúc đẩy và thời sự hơn. Có thể lấy cảm hứng từ cầu Cần Giờ được thiết kế có hình dáng cây đước làm biểu tượng, vừa giúp quảng bá hình ảnh ra thế giới, thu hút đầu tư, phát triển du lịch vừa là địa danh Cần Giờ.