LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Thu hút nhân tài trong lĩnh vực đặc thù
Hiện nay, mức độ phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao chưa tương xứng với vị trí phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM
Một trong những chủ trương lớn của TP HCM hiện nay là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn với phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VHNT), thể dục - thể thao (TDTT).
Còn nhiều vướng mắc
Điển hình, TP HCM có chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực VHNT, TDTT; triển khai kế hoạch tuyển sinh, đào tạo bảo đảm chất lượng, đúng đối tượng, mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.
TP HCM đã tăng cường đầu tư xây dựng các công trình, dự án trong lĩnh vực này; đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; gắn kết với các chương trình đào tạo thường xuyên và hằng năm, cử một số vận động viên đi đào tạo; cử trọng tài tham dự khóa đào tạo quốc tế; mời chuyên gia nước ngoài sang tập huấn kỹ năng biểu diễn…
Tuy nhiên, mức độ phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực VHNT, TDTT chưa tương xứng với vị trí phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Nhận thức xã hội về vai trò của ngành nghề này đối với sự phát triển kinh tế thành phố và đời sống tinh thần của người dân chưa đồng đều, dẫn đến các tiềm năng VHNT, TDTT hiện có chưa đủ lực trở thành sản phẩm chuyên nghiệp. Khoảng cách giữa nhu cầu hưởng thụ và khả năng đáp ứng của ngành VHNT, TDTT ngày càng tăng…
Do vướng mắc về kinh phí trong quá trình thực hiện Thông tư 36/2018 của Bộ Tài chính (hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - không quy định áp dụng đối với đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực VHNT, TDTT như học sinh, sinh viên, năng khiếu, tài năng trẻ...) nên Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) không có cơ sở về kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà UBND TP HCM giao về đào tạo, bồi dưỡng những đối tượng đặc thù này.
Việc chọn lựa năng khiếu, tài năng trẻ tốn khá nhiều công sức trong khi thời gian làm thủ tục cử đi đào tạo kéo dài do những vướng mắc về kinh phí gây lãng phí nhân lực, thời gian, công sức, nhất là đối với việc tuyển chọn trong lĩnh vực múa, xiếc…
Ngoài ra, chính sách trong lĩnh vực này chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút tài năng trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước; chế độ, chính sách chưa tạo được môi trường thu hút học viên gắn bó và phục vụ lâu dài. Loại hình nghệ thuật truyền thống cần có quá trình tập luyện gian khổ, kéo dài nhưng thu nhập thấp nên khó thu hút sự tham gia và gắn bó với nghề.
Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài
Để đáp ứng nhu cầu xã hội, hưởng thụ đời sống VHNT, TDTT của người dân, TP HCM cần thực hiện nhiều giải pháp.
Trước hết, đổi mới căn bản việc giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, coi đây là khâu đột phá trong phát triển TDTT. Đánh giá và nhận thức đúng về vai trò của TDTT trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng thể chế, chính sách về TDTT, VHNT, nhất là việc nâng cao chất lượng, phát hiện và tìm kiếm tài năng, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Kiến nghị với trung ương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TDTT; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Luật TDTT và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế pháp lý liên quan nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đối tượng đặc thù này.
Bổ sung, hoàn thiện các chính sách đầu tư và đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, như: chế độ lương, thưởng; trợ cấp theo thành tích; chữa trị chấn thương; trợ cấp thương tật, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ hướng nghiệp, khởi nghiệp đối với vận động viên sau khi giải nghệ...
Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực TDTT, VHNT; xây dựng và vận hành các cơ sở đào tạo vận động viên thể thao, tổ chức các sự kiện thể thao cấp quốc gia, quốc tế…
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục toàn diện; quan tâm các chế độ đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên TDTT, VHNT.
Xem xét vấn đề kinh phí trong việc phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực VHNT, TDTT đối với các đối tượng đặc thù thuộc chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng nhân tài lĩnh vực này của thành phố, không giới hạn là công chức, viên chức.
Xây dựng công trình TDTT cho trường học
TP HCM cần tăng cường xây dựng cơ sở vật chất; cung cấp trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao phục vụ việc giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ giáo dục thể thao trường học.
Từng bước đầu tư xây dựng nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện; khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống sân tập, nhà tập đa năng, bể bơi; mua sắm trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học…