Trước ngày 23 tháng Chạp, người dân làng cá chép đỏ Thủy Trầm (Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) đồng loạt tát vét chuẩn bị chờ khách đến thu gom mang cá đi các tỉnh.
Bao đời nay, người dân Thủy Trầm đã sống nhờ vào nghề nuôi cá chép phục vụ Tết ông Công ông Táo.
Anh Luận, chủ một hộ nuôi cá chép đỏ tại đây cho biết, việc nuôi cá năm nay rất thuận lợi, thời tiết ủng hộ.
Cá chép Thủy Trầm là giống cá chép đỏ và đẹp nhất vùng này, nên thương lái khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái ở mạn ngược tới Nam Định, Thái Bình miền xuôi cũng đều tìm đến đây để thu mua. Hàng năm, cứ đến khoảng 20 – 21 (âm lịch) là làng Thủy Trần lại nhộn nhịp hẳn lên, xe tải vào ra tấp nập để chở cá. Năm nay lượng mua giảm hơn năm ngoái, một phần có thể do người nuôi ở Thủy Trầm tăng hơn, mặt khác có thể ở các tỉnh cũng nuôi thành công nên giá cũng có thể giảm hơn so với mọi năm…” – Anh Luận cho biết thêm.
Giá cá mua tại ao khoảng 50 - 60 ngàn đồng/kg, tùy kích thước giá cá có thể lên đến 80 ngàn đồng/kg
Được biết, làng Thủy Trầm chủ yếu là sản xuất cá giống và cá thịt, nuôi xen với chép đỏ, cuối năm sau khi đã thu hoạch hết các loại cá giống, cá thịt thì còn lại nguyên cá chép đỏ để phục vụ cho ngày đưa Táo quân về trời.
Những ngày này các tiểu thương từ khắp các tỉnh đồ về Thủy Trầm để mua cá chép đỏ, phục vụ ngày ông Công ông Táo.
Nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng trăm các hộ gia đình trong làng Thủy Trầm.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ mới giúp cá chép đỏ Thủy Trầm có sức sống tốt hơn, màu đỏ đẹp hơn so với các giống cá này được nuôi ở nơi khác. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.
Các hộ nuôi cá nơi đây ít cũng thu về chục triệu đồng, nhiều cũng đến gần trăm triệu đồng một vụ cá.
Cá sau khi được bắt lên sẽ được người dân đưa vào bể chăm sóc tỉ mỉ, để luôn trong tình trạng khỏe khoắn, sẵn sàng phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo về trời vào dịp 23 tháng Chạp.
Bảo Trung