Làng nghề thêu ren Văn Lâm - Gìn giữ nét đẹp truyền thống trong từng mũi chỉ

Trải qua hàng thế kỷ, người dân Văn Lâm vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nằm trong Quần thể Danh thắng Tam Cốc Bích Động, làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, tỉnh Ninh Bình là một trong những nơi hội tụ những tinh hoa của nghề thêu ren ở Việt Nam.

Đây cũng là nơi hiếm hoi mà người dân vẫn còn kiếm sống bằng nghề thêu và đồng thời trở thành một trong những điểm tham quan được nhiều du khách tìm đến ở Ninh Bình

Theo các nghệ nhân cao tuổi trong làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có tuổi đời trên 700 năm. Có nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của nghề. Vào thời nhà Trần, bà Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân làng Văn Lâm nghề thêu ren cung đình.

 Nhiều sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nhiều sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Các sản phẩm thêu ngày đó phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong lễ hội như quần, áo, mũ của đội tế; tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền đều có sự đóng góp, sáng tạo của người thợ thêu làng Văn Lâm.

Trân trọng đối với tiền nhân đã có công truyền nghề cho con cháu, người Văn Lâm đã lập đền thờ tổ nghề thêu. Trên cột đá của đền có tạc hai câu đối thật ý nghĩa:

“Mỹ nghệ hoa văn truyền hậu thế
Tài hoa cẩm tú ngưỡng tiên sinh.”

Sau đó, vào năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, hai cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan, vốn là người làng Văn Lâm, đã cất công lặn lội lên tận Hà Nội để học nghề thêu ren của người Pháp. Khi đã học được nghề, hai cụ đã quay trở về dạy lại cho người dân. Từ đó, làng thêu ren Văn Lâm đã bước sang một giai đoạn mới, liên tục được người dân phát triển với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã.

Từ chỗ chỉ thêu các đồ thờ trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới, sáng tạo thêm các loại hình sản phẩm mới trang trí nội thất, phục vụ đời sống sinh hoạt như rèm, khăn trải bàn, khăn ăn, vỏ chăn ga, gối, quần áo.

Đến với làng thêu ren Văn Lâm, dọc hai bên đường vào làng là các cửa hàng san sát bày bán các sản phẩm như khăn tay, áo, tranh đều được những người thợ tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ với những hình ảnh đẹp, bắt mắt. Trong số đó, độc đáo nhất phải kể đến sản phẩm tranh thêu, chủ yếu là tranh về phong cảnh, quê hương, đất nước.

 Nhiều sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nhiều sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, những người thợ thêu tay đã biến hóa những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt và đầy màu sắc.

Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, làng nghề Văn Lâm đã góp mặt vào cuộc triển lãm kỷ niệm 1.000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long bằng một tuyệt tác kỷ lục. Đó là bức tranh thêu “Cội xưa” có chiều dài hơn 200m và chiều rộng gần 3m, do 700 nghệ nhân thêu tài hoa của làng Văn Lâm bền bỉ hoàn thành sau gần 1 năm.

Với ba nội dung chính: Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt; phong cảnh cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với hai ngôi đền vua Đinh, vua Lê và Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, đánh dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bức tranh thể hiện mối liên hệ gắn bó giữa cố đô Hoa Lư và Thăng Long-Hà Nội qua 1.000 năm hình thành và phát triển.

Các nghệ nhân thêu đã gửi gắm tình cảm của mình trong từng đường kim mũi chỉ để giới thiệu lịch sử, phong cảnh hữu tình của đất cố đô Hoa Lư.

Trải qua hàng thế kỷ, đến nay người dân Văn Lâm vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Từ năm 2019, nhiều sản phẩm thêu ren của làng nghề Văn Lâm đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Tham gia chương trình Mỗi xã một Sản phẩm OCOP, các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và nước ngoài; được hỗ trợ về bao bì, logo. Qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lang-nghe-theu-ren-van-lam-gin-giu-net-dep-truyen-thong-trong-tung-mui-chi-post915473.vnp