Lắng nghe và hành động để đẩy lùi nạn tảo hôn

Tảo hôn không chỉ là câu chuyện buồn của từng gia đình mà còn để lại hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cộng đồng. Thực trạng này vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS. Việc lắng nghe chính tiếng nói của những người trẻ để từ đó hành động thiết thực đang trở thành hướng đi quan trọng nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

Đại diện các em học sinh tham gia giao lưu tại diễn đàn. Ảnh: NGỌC LY

Đại diện các em học sinh tham gia giao lưu tại diễn đàn. Ảnh: NGỌC LY

Những hệ lụy không thể xem nhẹ

Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn âm ỉ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào DTTS 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Thực trạng này không chỉ đặt ra những thách thức trước mắt mà còn làm dấy lên mối lo ngại về những hệ quả lâu dài mà tảo hôn để lại, đặc biệt là đối với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ. Không chỉ riêng câu chuyện về sức khỏe sinh sản và sự phát triển thể chất, tảo hôn còn tước đi cơ hội học tập, lập nghiệp của các em, tạo nên vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Ở độ tuổi từ 14-17, khi cơ thể và tâm lý chưa phát triển đầy đủ, việc bước vào hôn nhân quá sớm khiến các em phải đối mặt với những áp lực kinh tế và trách nhiệm quá lớn. Điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn, tan vỡ trong hôn nhân và để lại những hệ lụy kéo dài cho thế hệ sau.

Nguyên nhân của tình trạng này rất đa dạng, bắt nguồn từ phong tục, tập quán lạc hậu, sự thiếu hiểu biết của phụ huynh và cả hạn chế trong nhận thức của chính các em. Việc phòng chống tảo hôn đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính quyền địa phương.

Nói không với tảo hôn

Nhằm tạo cơ hội để trẻ vị thành niên được chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình về vấn nạn tảo hôn, mới đây Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Sông Hinh đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ vị thành niên nói” với chủ đề phòng, chống tảo hôn vùng đồng bào DTTS. Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện các ban ngành, đoàn thể và 70 học sinh đến từ các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Tại diễn đàn này, em Bàn Thị Uyển Nhi, học sinh lớp 9B Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh chia sẻ: "Gần nhà em có hai người cưới nhau khi bạn gái mới 16 tuổi, bạn trai chỉ 17 tuổi. Do tuổi đời còn quá trẻ, chưa có việc làm ổn định, chưa học xong phổ thông và vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ, cuộc sống của họ lâm vào cảnh thiếu thốn, mâu thuẫn triền miên. Từ những điều mắt thấy tai nghe, em nhận thức rằng, chỉ khi thực sự trưởng thành, có công việc ổn định, có khả năng tự lập, các bạn trẻ mới nên nghĩ tới chuyện kết hôn để xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc". Uyển Nhi cũng bày tỏ mong muốn các bậc cha mẹ cần gần gũi, thấu hiểu con cái hơn, lắng nghe nguyện vọng của các em thay vì áp đặt hoặc ép buộc, để không “đẩy” con em mình vào một cuộc sống đầy khó khăn.

Tảo hôn không chỉ là câu chuyện buồn của từng gia đình mà còn để lại những hệ lụy lâu dài cho cộng đồng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức cho bản thân học sinh, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính quyền địa phương trong nỗ lực phòng ngừa và xóa bỏ tình trạng này.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh

Cùng suy nghĩ với Uyển Nhi, em Trần Khánh An, học sinh Trường THCS và THPT Chu Văn An (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) cho biết: Trường em thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, giúp học sinh hiểu rõ tác hại của kết hôn sớm. Đồng thời, nhà trường còn phối hợp với đoàn thanh niên đến các gia đình, phổ cập kiến thức về sức khỏe sinh sản và tâm lý tuổi vị thành niên cho cả học sinh và phụ huynh.

Còn em Phan Triệu Minh Ánh, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh và nhiều bạn cùng trường mong muốn các tổ chức đoàn thể tiếp tục xây dựng các mô hình “Thanh niên nói không với tảo hôn”, tạo diễn đàn để các bạn trẻ có thể nói lên suy nghĩ, hỗ trợ nhau thay đổi nhận thức, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, tiến bộ.

Chia sẻ về ý nghĩa của diễn đàn này, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Chúng tôi tổ chức diễn đàn để lắng nghe tiếng nói từ chính các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh. Diễn đàn là dịp để các em thể hiện tâm tư, nguyện vọng, khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cộng đồng, chung tay phòng ngừa, đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng tảo hôn tại địa phương. Qua đó, các cấp hội, các ban ngành liên quan xây dựng các chương trình, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực xã hội hiện đại.

"Tảo hôn không chỉ là câu chuyện buồn của từng gia đình mà còn để lại những hệ lụy lâu dài cho cộng đồng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức cho bản thân học sinh, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính quyền địa phương trong nỗ lực phòng ngừa và xóa bỏ tình trạng này", Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh nói.

KHÁNH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/lang-nghe-vahanh-dong-deday-lui-nan-tao-hon-17a4974/