Làng nghề vào vụ Tết

Tết đến Xuân về, trên mỗi mâm cơm sum vầy của người Việt đều có đĩa nem vàng ruộm, bát miến nóng hổi thơm ngon. Cũng vì thế, nhu cầu về bánh đa nem, miến trong dịp Tết thường tăng đột biến. Để kịp thời cung ứng thị trường, những ngày này, tại các cơ sở làm miến, bánh đa nem ở Xuân Phúc (Xuân Trường) nhịp sản xuất vô cùng khẩn trương, sôi động. Hầu hết các lò làm bánh, miến đều “đỏ lửa” suốt đêm ngày.

Tết đến Xuân về, trên mỗi mâm cơm sum vầy của người Việt đều có đĩa nem vàng ruộm, bát miến nóng hổi thơm ngon. Cũng vì thế, nhu cầu về bánh đa nem, miến trong dịp Tết thường tăng đột biến. Để kịp thời cung ứng thị trường, những ngày này, tại các cơ sở làm miến, bánh đa nem ở Xuân Phúc (Xuân Trường) nhịp sản xuất vô cùng khẩn trương, sôi động. Hầu hết các lò làm bánh, miến đều “đỏ lửa” suốt đêm ngày.

Tranh thủ trời nắng hanh người dân phơi bánh đa phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Tranh thủ trời nắng hanh người dân phơi bánh đa phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Thuộc thế hệ thứ 2 trong nhà nối nghiệp làm bánh đa nem, anh Mai Văn Ngọc, xóm 6, xã Xuân Phúc đến nay đã có thời gian làm nghề vài chục năm. Trung bình hàng ngày gia đình anh tráng từ 5-6 tạ gạo bánh/ngày, tạo việc làm cho 10 lao động. Với giá bán 3 nghìn/chục, hàng năm, trừ chi phí, anh thu về trên 200 triệu đồng/năm. Bánh đa nem của gia đình anh xuất bán đi cả nước, tuy nhiên các tỉnh, thành phố phía Nam thường nhập số lượng hàng lớn hơn. Làm bánh đa nem, theo anh Ngọc không quá khó. “Bí quyết” là chọn được loại gạo ngon để tráng bánh. Gạo được chọn làm bánh phải đảm bảo các tiêu chí khô, ít nhựa. Sau khi chọn được gạo, anh vo sạch, ngâm qua ngày rồi đưa vào nghiền thành bột, ủ thêm 1 ngày cho bột dẻo rồi với mang tráng. Trước khi đem bột đi tráng, anh Ngọc cho thêm chút muối biển, tỷ lệ pha muối phụ thuộc theo mùa. Mục đích của việc pha thêm muối vào bột gạo giúp bánh khô, dai mà vẫn có độ mềm.

Khắp trong sân, ngoài ngõ, những tấm phên, cây sào được phủ trắng bởi những lớp bánh đa đều tăm tắp.

Khắp trong sân, ngoài ngõ, những tấm phên, cây sào được phủ trắng bởi những lớp bánh đa đều tăm tắp.

Hàng ngày để tráng bánh, gia đình anh Ngọc thường bắt đầu công việc từ lúc 2-3 giờ sáng. Mặt trời rọi ánh nắng cũng là lúc mẻ bánh cuối cùng hoàn thiện, kịp để mang đi phơi. Quá trình phơi bánh, anh Ngọc huy động toàn bộ người trong nhà, thợ ra phơi, lột, cắt bánh. Khi phơi bánh, anh còn thường xuyên quan sát thời tiết. Hôm nào “yếu nắng”, bánh lâu khô, anh sẽ trở bánh thường xuyên hơn. “Căn” những hôm nắng to, anh Ngọc thu bánh sớm, tránh để bánh bị nắng chiếu quá lâu, dễ bị nổ, giòn, gẫy bánh. “Hiện nay, các công đoạn làm bánh nặng nhọc nhất đều được “cơ giới hóa”, giúp giảm đáng kể sức lao động. Tuy nhiên, việc làm bánh đa nem vẫn tương đối vất vả, yêu cầu phải thức khuya dậy sớm. Mặc dù vậy, gia đình tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, phần vì có thu nhập, phần nữa vì bánh được thị trường tin tưởng, đánh giá cao, động viên người làm nghề”, anh Ngọc chia sẻ thêm.

Người dân phơi miến, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết.

Người dân phơi miến, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết.

Đến cơ sở sản xuất miến của gia đình ông Mai Văn Điện, xóm 7 chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc sôi động, khẩn trương của một trong xưởng làm miến gạo quy mô lớn nhất nhì xã. Trong nhà, ngoài hè là cơ man những bao miến được đóng gói xếp thành hàng cao chờ các thương lái đến lấy hàng. Tranh thủ vừa đóng gói sản phẩm vừa trò chuyện, ông Điện cho biết: “Do nhu cầu của người dân trong dịp Tết tăng cao so với ngày thường nên ngoài việc huy động tất cả các thành viên trong gia đình, tôi còn phải thuê thêm người để tập trung sản xuất, đảm bảo chất lượng và số lượng miến mà khách đã đặt trước”. Để làm ra những sợi miến gạo ngon, theo ông Điện, yếu tố quyết định là chọn được nguyên liệu gạo phù hợp. Nhiều năm nay, ông Điện “tin tưởng” chọn giống gạo Q5 để làm miến. Quy trình làm miến trải qua nhiều công đoạn, ngâm gạo, nghiền bột, ép để bột khô ráo. Khi đã hoàn thành khâu sơ chế nguyên liệu, người thợ tiến hành bước tạo sợi.

Những ngày cuối năm, hoạt động sản xuất diễn ra tấp nập.

Những ngày cuối năm, hoạt động sản xuất diễn ra tấp nập.

Công đoạn này dù do máy vận hành nhưng đòi hỏi người sản xuất phải liên tục vừa cho bột vào máy vừa nhanh tay cắt miến để giữ được độ dài và đều sợi cho miến. Sau khi thành sợi, miến được ủ khoảng 10 tiếng, sau đó rũ trong nước lạnh và đem phơi khô. Là người có nhiều năm gắn bó với nghề, cũng theo ông Điện, làm miến không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng muốn thành công với nghề đòi hỏi phải siêng năng, chịu khó. Nghề làm miến còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Miến sẽ khô nhanh và ngon nhất khi được phơi dưới trời nắng hanh. Còn những ngày mưa hoặc ẩm ướt thì hầu hết các hộ sản xuất phải nghỉ. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, những mẻ miến gạo của gia đình ông Điện khi ra lò đều được người tiêu dùng ưa chuộng, miến nấu lên mềm mà dai, có vị ngọt thơm đặc trưng của gạo. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, trung bình hàng tháng gia đình ông Điện sản xuất hàng tấn miến gạo, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Đóng gói sản phẩm miến, vận chuyển cho các thương lái.

Đóng gói sản phẩm miến, vận chuyển cho các thương lái.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Dạo quanh các làng nghề truyền thống trong tỉnh nói chung, làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm nói riêng, nơi đâu cũng tất bật sản xuất, bán buôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, các làng nghề truyền thống còn mang đến nét đẹp văn hóa đặc trưng với những sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng, miền mỗi dịp Tết đến, Xuân về; phát huy bản sắc của vùng đất được mệnh danh “trăm nghề".

Bài và ảnh:Hoa Xuân, Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202501/lang-nghe-vao-vu-tet-d1323a9/