Làng Pơr'ning làm du lịch xanh bền vững

Làng văn hóa - du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) Pơr'ning tại xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) là một trong những điểm đến được khá nhiều du khách yêu thích với phát triển du lịch xanh, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu.

Đón khách tại nhà gươl

Đón khách tại nhà gươl

Để định vị “thương hiệu” mô hình làng VHDLCĐ Pơr’ning phát triển theo hướng bền vững, địa phương đã hỗ trợ để bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đậm chất bản địa. Trong đó, chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường gắn với duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Tại làng Pơr’ning, giá trị văn hóa bản địa truyền thống, giá trị cộng đồng của tộc người Cơ Tu chính là dư địa trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bền vững cho làng.

Ông Pơlong Plênh, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang chia sẻ, Tây Giang có 16 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 95% dân số toàn huyện. Nơi đây còn khá nhiều ngôi làng có bề dầy về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, bảo lưu khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa Cơ Tu.

“Trong quá trình định cư, cùng chung sống và phát triển với các dân tộc tại địa bàn, người Cơ Tu đã xác lập cho mình một diện mạo kinh tế - văn hóa - xã hội khá rõ nét”, ông Pơlong Plênh cho biết.

Là địa bàn cư trú lâu đời của người Cơ Tu, các giá trị văn hóa truyền thống trong làng Pơr’ning còn rất đa dạng và phong phú mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện tính đoàn kết, nhân văn rất cao của cộng đồng thông qua lễ hội, kiến trúc, văn hóa truyền thống, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, làng nghề truyền thống.

Làng hiện có khoảng 147 hộ, với gần 600 nhân khẩu, nói đến văn hóa của người Cơ Tu ở làng Pơr’ning, huyện Tây Giang nói riêng, người Cơ Tu ở Việt Nam nói chung không thể không nói đến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia như: Nghệ thuật dệt thổ cẩm, Nghệ thuật nói lý - hát lý, Điệu múa Tân’tung - Da’dá.

Phục dựng các nghi thức truyền thống tại nhà gươl

Phục dựng các nghi thức truyền thống tại nhà gươl

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu trong làng Pơr’ning trong những năm qua luôn được tỉnh, huyện, xã quan tâm. Đến nay làng đã thành lập được tổ dệt thổ cẩm, đan lát, chạm khắc gỗ, nói lý - hát lý, hát dân ca.

Tại các hội thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong và ngoài tỉnh, làng cũng được tạo điều kiện tham dự và mang nhiều thành tích cao, qua đó góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh của vùng đất này đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với sự hỗ trợ của dự án 6, thời gian qua, địa phương cũng bảo tồn, phục dựng nghi thức nhập làng của đồng bào Cơ Tu. Cùng với đó bảo tồn, giới thiệu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng như nghệ thuật trình diễn nhạc cụ, trống, chiêng, thanh la, múa Tân’tung - Da’dá, đan lát nam, đan lát nữ, dệt thổ cẩm, ẩm thực, dân ca.

Tái hiện trích đoạn nghi thức tặng củi, cùng tạ ơn rừng, tạ ơn nguồn nước chung của làng, cảnh đi xúc cá, văn hóa “nuôi khách chung’’, văn hóa “chia phần” đầy tính nhân văn, thể hiện tình nghĩa xóm làng yên ấm, luôn yêu thương nhau trong cộng đồng làng.

Ngành VHTTDL Quảng Nam cũng như huyện Tây Giang đã khởi động các đề án khôi phục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nỗ lực kết nối, hình thành các điểm dừng chân dọc theo trục đường Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông liên huyện, liên xã. Khởi động các chương trình đầu tư, nâng cấp điểm đến du lịch cộng đồng, phục vụ du khách.

Đến với làng Pơr’ning, du khách sẽ được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu

Đến với làng Pơr’ning, du khách sẽ được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu

Đồng thời, khôi phục các làng nghề truyền thống, từ đan lát, điêu khắc cho đến dệt thổ cẩm với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Phát triển du lịch trong câu chuyện văn hóa Cơ Tu đang được xây dựng theo lộ trình mới…

Trong đó có việc xây dựng nâng cấp và khôi phục các giá trị văn hóa Cơ Tu tại làng Pơr’ning, trên cơ sở nâng cấp này, các công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa được đầu tư phù hợp với công tác bảo tồn bản sắc truyền thống.

Nhằm để bảo tồn văn hóa trong thời gian tới, làng Pơr’ning quyết tâm phục dựng lại các ngôi nhà sàn truyền thống, trong đó phục dựng nguyên bản 2 nhà dài, 6 nhà sàn làm nơi lưu trú cho khách du lịch, một kho thóc, một máng nước chung của làng, hàng rào và cổng làng đúng bản sắc văn hóa Cơ Tu nhằm thu hút khai thác du lịch cho địa phương.

Tiếp tục sưu tầm, các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Cơ Tu để tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch.

THU HOÀI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/lang-porning-lam-du-lich-xanh-ben-vung-135966.html