Lạng Sơn có khu công nghiệp VSIP quy mô gần 600 ha, đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn có quy mô 599,76 ha, chia làm 2 giai đoạn; được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 501/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Theo quyết định, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Khu công nghiệp Hữu Lũng) được triển khai ở các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Quy mô 599,76 ha, trong đó: giai đoạn 1 với quy mô sử dụng đất khoảng 200 ha; giai đoạn 2 với quy mô sử dụng đất khoảng 250 ha và giai đoạn 3 với quy mô sử dụng đất khoảng 149,76 ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.361.328.000.000 đồng (hơn 6.300 tỷ đồng), tương đương 274.668.739 đô la Mỹ. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 954.199.200.000 đồng, tương đương 41.200.311 đô la Mỹ.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 15/5/2023.
Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Tại quyết định nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án;
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Đối với UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp thu, thực hiện đầy đủ ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, thông tin, cập nhật dự án vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đảm bảo sự phù hợp, thống nhất theo quy định; thực hiện rà soát, điều chỉnh diện tích rừng của dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương ra khỏi Quy hoạch lâm nghiệp, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có trách nhiệm kiểm tra quá trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan;
Kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất về số liệu, vị trí giữa hồ sơ và thực địa; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ về thông tin nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng), số liệu, hồ sơ về quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích các loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất), tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu, báo cáo giải trình đối với nội dung trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án và trong việc tổ chức thực hiện Dự án đúng vị trí, đúng diện tích.
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng và nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai minh bạch; quản lý chặt chẽ các diện tích rừng trong khu vực thực hiện dự án đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chỉ thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 19, Điều 23 Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…