Lạng Sơn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Lạng Sơn có sự đa dạng và vẹn nguyên nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là những tài sản vô giá cần được chính quyền cùng người dân giữ gìn và phát huy, tạo cơ sở và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đến thăm các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vào dịp cuối tuần, du khách sẽ rất bất ngờ với chương trình ngoại khóa của các em học sinh. Tại trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn, sau tiếng trống tan trường là lúc các em nhỏ trong trang phục truyền thống cùng tham gia các CLB hát then, hát sli hay CLB võ cổ truyền…
Học sinh Đàm Thị Hình, lớp 12A1 trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn hào hứng nói: "Em tham gia vào CLB dân tộc Nùng của trường, chúng em hay sinh hoạt vào những dịp cuối tuần. Đó cũng là dịp chúng em có thể học hát then, hát sli, được biểu diễn những làn điệu của dân tộc mình, học làm những món ăn đặc sản. Chúng em vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc, để từ đó trau dồi, học hỏi thêm nhiều hơn nữa về ngôn ngữ của dân tộc mình".
Mô hình các CLB văn hóa các dân tộc trong các nhà trường được xác định là sân chơi bổ ích, xây dựng tinh thần đoàn kết, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, năng lực tư duy và sáng tạo. Cô giáo Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn cho biết học sinh trong trường đều là "đại diện văn hóa" của một vùng quê, một dân tộc, vì vậy nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em được giao lưu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đẹp của dân tộc mình.
“Hoạt động của các CLB với mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động thường ngày của các em học sinh. Không chỉ tập luyện thường xuyên, mà các em còn có kết nối với các bạn ở các trường khác trong tỉnh, hay kết nối với với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn... Qua sự kết nối như vậy, các em cũng nâng cao hiểu biết và góp phần bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc, để sau này về với địa phương, về với gia đình, các em sẽ là những “hạt nhân” giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc”.
Ngoài đưa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào trong chương trình giảng dạy tại các nhà trường, tỉnh Lạng Sơn cũng quan tâm đến việc thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội dân ca, dân vũ trong cộng đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ ở cơ sở... góp phần nuôi dưỡng và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Lãng đánh giá: “Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT tại địa phương đã lan tỏa rộng khắp đến tất cả các thôn bản khu phố, vào những buổi tối, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hàng ngày ngoài lao động sản xuất, bà con đều tập luyện, tham gia các CLB rất tích cực, sôi nổi. Chúng tôi cũng gắn với việc phát triển du lịch, hướng tới việc các CLB sẽ tập trung phát triển vào việc tham gia biểu diễn, trình diễn, quảng bác các làn điệu dân ca để phục vụ du khách khi tới tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn”.
Ngoài di sản Thực hành Then, tỉnh Lạng Sơn có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Then Tày, Nùng Lạng Sơn; lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định); lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia); múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; hát Sli người Nùng Lạng Sơn.
Địa phương cũng triển khai thực hiện 3 dự án nghiên cứu di sản gồm: Nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người Dao Lô Gang (xã Công Sơn, huyện Mẫu Sơn); nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lễ hội đền Bắc Lệ (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng); nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người thầy Tào (xã Khánh Khê, huyện Văn Quan). Lạng Sơn cũng đã xây dựng hoàn thiện 3 đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021 - 2030; Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ.
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, TS Hoàng Văn Páo, Nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm: “Cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, ghi âm, ghi chép ghi hình toàn bộ những giá trị văn hóa đó; xây dựng cơ chế chính sách, đề án để phát triển; truyền dạy, giáo dục ý thức của cộng đồng thông qua các nghệ nhân để truyền dạy cho các thế hệ, từ đời này sang đời khác; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức phong tục tập quán là hồn cốt của dân tộc; tiếp tục quảng bá cho chính đồng bào, mọi người trong, ngoài tỉnh và ngoài nước để thể hiện nét hay, nét đẹp, thuần phong mỹ tục của văn hóa truyền thống các dân tộc Lạng Sơn”.
Văn hóa truyền thống các dân tộc, bao gồm các yếu tố như tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật dân gian; lễ hội, tín ngưỡng… đã hòa quyện tạo thành sức mạnh cổ vũ, động viên biết bao thế hệ trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Trong giai đoạn phát triển mới, Lạng Sơn đang cùng cả nước nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản bản sắc trên nền tảng vững chắc của văn hóa truyền thống 54 dân tộc và lòng tự hào về văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam./.