Lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đề xuất tháo gỡ 'rào cản' khi triển khai Nghị quyết 68

Trong khuôn khổ tọa đàm chuyên đề do President Club (CLB các chủ tịch doanh nghiệp) tổ chức mới đây, hơn 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, luật sư đã cùng thảo luận về quá trình hình thành, tinh thần cốt lõi và các yêu cầu thực tiễn trong việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC khẳng định: “Nghị quyết 68 là bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ”.

Buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Trung Chính, người tham gia trực tiếp vào tổ biên tập Nghị quyết chia sẻ: “Cường độ thảo luận để hoàn thành dự thảo Nghị quyết khẩn trương. Chỉ hai ngày sau khi ký ban hành, các nhóm công tác đã họp với Văn phòng Quốc hội chuẩn bị cho Nghị quyết triển khai, dự kiến trình ngày 18/5. Nếu đúng tiến độ, lễ công bố có thể tổ chức ngày 19/5, dịp Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), đây là bước chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là “một bộ phận” đến vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển.

Nhiều doanh nhân tại tọa đàm chia sẻ những khó khăn cụ thể khi triển khai Nghị quyết. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech nêu rõ: “Từ năm 2008, lãnh đạo cởi mở cấp phép thử nghiệm ví điện tử, nhưng đến 2015, tư duy siết chặt khiến sandbox mất 8 năm để ban hành. Khi ra đời, quy định yêu cầu tổng giám đốc phải có kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng, loại bỏ những người có tư duy đổi mới ngoài ngành...”.

Theo ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Tập đoàn Giovanni, đơn cử một trường hợp xin phép đầu tư kéo dài 4 năm chỉ vì dự án không nằm trong khu công nghiệp và phải xin đủ 17 chữ ký từ UBND tỉnh để được giao đất. Những thủ tục này không chỉ gây chậm trễ, mà còn đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị "treo" dự án vô thời hạn...

Luật sư Bùi Văn Thành bổ sung thêm: “Một doanh nghiệp mất cả năm chỉ để xin phép in bao bì vì bị xếp vào ‘hoạt động xuất bản’. Thực tế này cho thấy sự lỗi thời trong hệ thống pháp lý. Do đó, cần phát triển cổng thông tin Quốc gia minh bạch về cơ hội đầu tư".

Đại điện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, Chính phủ nên trích ngân sách mua phần mềm Việt Nam để cấp miễn phí cho doanh nghiệp mới dưới 3 năm tuổi, nhằm tạo điều kiện đưa công cụ vào tay doanh nghiệp và nghiên cứu xây dựng luật sát thực tế, hạn chế đẩy trách nhiệm xuống nghị định, thông tư...

XM/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lanh-dao-doanh-nghiep-cong-nghe-de-xuatthao-go-rao-can-khi-trien-khai-nghi-quyet-68-20250511190029305.htm