Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp

Đoàn khảo sát trao đổi thông tin cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Đoàn khảo sát trao đổi thông tin cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Tại thị xã Vĩnh Châu, đoàn đã đến thăm vùng nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, xã Vĩnh Hải; vườn nhãn xuồng của Hợp tác xã Nhãn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Phước và thăm vùng trồng hành tím theo hướng hữu cơ, xã Vĩnh Hải được Tập đoàn Quế Lâm liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hành sau thu hoạch; thăm Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki, xã Vĩnh Hải. Tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đại diện lãnh đạo công ty đã thông tin về tình hình nuôi tôm của công ty trong năm 2022, với sản lượng tôm nuôi thu về đạt 6.600 tấn, đã cung ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến của công ty, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Lãnh đạo công ty còn chia sẻ về khó khăn của mùa vụ nuôi tôm năm 2023.

Tại Hợp tác xã Nhãn Vĩnh Châu và Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki, đoàn nghe lãnh đạo hợp tác xã chia sẻ về hoạt động của hợp tác xã thời gian qua và các hỗ trợ của ngành chuyên môn, như: xử lý nhãn xuồng ra hoa sớm, quy hoạch 5ha diện tích trồng nhãn theo hướng hữu cơ, hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động. Riêng với Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki, ngành nghề sản xuất, kinh doanh là trồng hành tím thương phẩm và hành giống, cung ứng vật tư nông nghiệp và làm dịch vụ thu mua hành thương phẩm. Trong năm 2022, hợp tác xã đã thu mua và tiêu thụ hơn 40 tấn hành của bà con nông dân, cùng với đó hợp tác xã đã được hỗ trợ về chuyển đổi số…

Đoàn khảo sát thăm vùng trồng hành tím theo hướng hữu cơ và được Tập đoàn Quế Lâm liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hành sau thu hoạch xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: THÚY LIỄU

Riêng tại vùng trồng hành tím theo hướng hữu cơ, được Tập đoàn Quế Lâm liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hành sau thu hoạch. Theo lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm, nhận định qua 4 năm tập đoàn phối hợp với hộ dân trồng hành tím hữu cơ, hộ dân phối hợp tốt và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật tập đoàn đưa ra. Từ đó, hành đạt chất lượng tốt, năng suất hành đạt 1,8 tấn/công, cao hơn so sản xuất truyền thống 200kg/công. Thời gian tới, tập đoàn sẽ mở rộng diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ, nhằm đáp ứng nhu cầu của hộ dân sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng chí Trần Văn Lâu đánh giá cao hoạt động sản xuất của các công ty, các hợp tác xã đoàn đến khảo sát, bởi thông qua sản xuất của các công ty, các hợp tác xã cùng hộ dân đã góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta tính toán việc sản xuất trong mùa vụ nuôi tôm phù hợp; con giống xét nghiệm thật kỹ trước khi thả nuôi; xử lý nước thải nuôi tôm tốt, trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, các hợp tác xã trồng nhãn, trồng hành cần phải sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung ứng đến người tiêu dùng, tạo mối liên kết tiêu thụ bền vững với các công ty.

Đoàn tiếp tục đến tham quan vùng nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch, xã Liêu Tú; thăm vùng trồng dưa hấu hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm triển khai, tại xã Trung Bình của huyện Trần Đề.

Đoàn khảo sát thăm Công ty Cổ phần Thủy sản sạch, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Đoàn khảo sát thăm Công ty Cổ phần Thủy sản sạch, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Tại Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, đoàn khảo sát tham quan thực tế diện tích nuôi tôm công nghệ cao của công ty. Theo đó, lãnh đạo công ty chia sẻ, công ty có 2 trang trại nuôi tôm, trong đó có 1 trang trại thả 100% số lượng giống gần 100 triệu con, tôm thả lâu nhất gần 39 ngày, hiện tôm nuôi phát triển tốt, mật độ nuôi cao. Cũng theo lãnh đạo công ty, trong thời gian đầu nuôi tôm, công ty đã học mô hình nuôi tôm của nước ngoài và sau quá trình nuôi đã tìm ra mô hình nuôi tôm hiệu quả hơn nhiều. Mô hình nuôi mới do công ty triển khai, đầu tư không cần nhiều vốn, dễ vận hành, năng suất rất cao, chi phí giảm. Hướng tới, công ty tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm nếu có quỹ đất…

Đối với diện tích dưa hấu hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm triển khai tại hộ dân thì đây là mô hình áp dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm trong quá trình canh tác dưa hấu, giúp dưa tăng năng suất, chất lượng dưa ngon. Dưa sau thu hoạch được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu đầu ra, giá bán luôn cao hơn giá thị trường từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Nhờ năng suất dưa cao, bán giá tốt nên 1 công dưa hộ dân thu lãi hơn 25 triệu đồng…

Đồng chí Trần Văn Lâu rất phấn khởi khi tình hình nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam thuận lợi. Qua đó, mong muốn công ty phát triển ngày càng lớn mạnh hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Đối với dưa hấu canh tác sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm, đồng chí Trần Văn Lâu đánh giá chất lượng trái dưa hấu rất ngon; do đó bà con nông dân trồng dưa tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích, sử dụng phân bón hữu nhưng phải đảm bảo việc liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/lanh-dao-ubnd-tinh-khao-sat-tinh-hinh-san-xuat-nong-nghiep-63344.html