Lao Bảo - đất của những con người hào sảng

Thêm một mùa xuân này là gần nửa thế kỷ người dân kinh tế mới ở huyện Hướng Hóa nói chung và thị trấn Lao Bảo nói riêng lên vùng đất 'lam sơn chướng khí' miền Tây Quảng Trị lập nghiệp. Hành trang của họ ra đi chất đầy hào khí xây dựng quê hương mới khi nước nhà thống nhất.

Công viên Lao Bảo, nơi có các công trình huy động từ nguồn lực xã hội hóa -Ảnh: Y.M.S

Công viên Lao Bảo, nơi có các công trình huy động từ nguồn lực xã hội hóa -Ảnh: Y.M.S

Sức mạnh của cộng đồng

Bây giờ đi trên những con đường nhựa thênh thang, ngập tràn sắc hoa ở thị trấn Lao Bảo, ít ai hình dung ra, gần nửa thế kỷ trước nơi đây là rừng hoang. Hình dung được điều đó mới thấy sức mạnh của con người trước thiên nhiên, trước thời cuộc.

Năm 1975, người dân xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, theo tiếng gọi của Đảng di dân từ vùng đồng bằng lên miền núi xây dựng kinh tế mới. Người Triệu Phước có duyên với vùng đất phên dậu Lao Bảo, họ lập làng, lập xã với tên gọi là xã Tân Phước.

Nỗi vất vả của những ngày vỡ đất, nhặt bom mìn trồng cây đã trở thành những trang lịch sử hào hùng của đất và người nơi này. Với những tháng lương thực ban đầu được Nhà nước trợ cấp để khai hoang, họ đã nhanh chóng biến những thửa đất màu mỡ nhưng đầy hố bom sát sông Sê Pôn ở biên giới Việt - Lào thành những nương sắn, khoai, ngô. Nếu không bắt tay kiến thiết ngay, chắc chắn sẽ muộn và đói khi lương thực trợ cấp ban đầu có hạn.

Và từ những nương sắn “tiền khai khẩn” ấy, những thế hệ đầu tiên ra đời. Rồi trường học, rồi trạm xá… cho đến những siêu thị, nhà hàng, showroom được hình thành. Đó là kỳ tích mà những người đổ mồ hôi, nước mắt mới thấu hiểu.

Nếu có cơ hội đứng trên đồi Chua của tuyến đường Quốc phòng Lao Bảo - Hướng Phùng, nơi thi sĩ Ngô Kha dự cảm hơn nửa thế kỷ trước trong câu thơ nổi tiếng, chúng ta sẽ nhìn thấy một Lao Bảo “đàng hoàng hơn, rực rỡ hơn” bởi ánh đèn điện.

Đó là một dãy sáng kéo dài từ biên giới Việt - Lào đến ngã ba Tân Long dài gần 10 cây số. Đó là nguồn sáng “huy hoàng” không đơn thuần đại diện cho phố thị mà còn thể hiện sức sống, ý chí vượt khó của người dân nơi này.

Có mặt tại đường Huyền Trân Công Chúa, anh Trường Văn Linh ở khóm Xuân Phước, khoe với chúng tôi: “Sau khi đường thông thoáng, những hộ dân trên tuyến đường đã tự nguyện góp tiền bắt đèn đường. Cột đèn được dựng cũng theo tiêu chuẩn nhà nước.

Với mong muốn sáng phố, sáng nhà, an ninh trật tự được đảm bảo, hầu như các tuyến đường ở Lao Bảo, các hộ dân đều chung tay xây dựng trước khi Nhà nước đầu tư”. Theo anh Linh, sau 3 năm người dân bắt đèn đường thì Nhà nước mới đầu tư hệ thống chiếu sáng.

Theo ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, tính từ năm 2017 khi Lao Bảo tổ chức phát động chương trình “sáng, xanh, sạch đẹp” đến nay, thông qua việc xã hội hóa xây dựng các công trình công cộng, người dân đã xây dựng 77 tuyến điện chiếu sáng, 74 con đường hoa giấy, hơn 5 km đèn trang trí các tuyến phố chính với kinh phí gần hơn 4 tỉ đồng.

Cốt cách của con người hào sảng

Nhiều năm trước, khi Lao Bảo còn nổi tiếng bởi hàng miễn thuế, đi đâu ai cũng “sợ” người Lao Bảo bởi “tính chơi sang” của họ. Một trong những lý do được những người dân nơi này chia sẻ: đó là dân Lao Bảo phóng khoáng, hào sảng từ xưa đến giờ.

Anh Hồ Văn Thành, một công dân nổi tiếng ở Lao Bảo bởi hay kêu gọi từ thiện giúp đỡ người nghèo, hoạn nạn cho biết, nhiều năm kêu gọi từ thiện từ miền núi đến đồng bằng, “chơi sộp” nhất vẫn là người Lao Bảo. Họ sẵn sàng san sẻ khó khăn cho người khác.

Người có ít thì góp ít, người có nhiều thì góp nhiều. Chỉ cần một vài giờ đồng hồ là có một khoản lớn để hỗ trợ cho người khốn khó. “Có giai đoạn kinh tế khó khăn và dịch bệnh COVID-19 phức tạp nhưng khi kêu gọi đóng góp, đều hưởng ứng”, anh Thành tâm sự.

Đóng góp từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cho đến việc hưởng ứng các phong trào xã hội hóa do chính quyền kêu gọi đều được người dân nơi này đồng thuận. Những trận lụt kinh hoàng, dịch bệnh COVID-19… đều có sự chung tay theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Như việc đóng góp xây dựng công viên Lao Bảo, xây dựng các tuyến đường hoa giấy… đã thể hiện được trách nhiệm của mỗi người dân trong việc làm đẹp cộng đồng, cống hiến xây dựng công trình phúc lợi để cùng nhau chia sẻ niềm vui, hạnh phúc.

Ông Trần Phước Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, chia sẻ: “Chúng tôi cùng Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi đóng góp xây dựng công viên Lao Bảo, đến nay đã huy động gần 400 triệu đồng.

Khi nghe tin bồn hoa xây xong, có nhiều doanh nghiệp và cá nhân muốn tài trợ cây xanh và hoa với trị giá hàng chục triệu đồng/bồn. Những tấm lòng vì một đô thị xanh sạch và văn minh cho Lao Bảo vẫn còn nhiều lắm. Đó là thế mạnh của Lao Bảo mà địa phương khác không dễ dàng có được”.

Ông Nguyễn Vũ Ái, nguyên là một trong những lãnh đạo trẻ nhất của xã Tân Phước (tên cũ của Lao Bảo), có mặt từ những ngày đầu vỡ đất lập làng, cho biết, từ năm 1975, người dân Lao Bảo chịu thương, chịu khó và luôn đùm bọc nhau.

Họ rời làng quê để lên chốn rừng thiêng này làm kinh tế mới cũng chỉ lưỡi cuốc, cây rựa. Hai bàn tay trắng làm nên cơ đồ sau gần nửa thế kỷ.

“Đất này đã nuôi dưỡng những nhân tố tạo nên sự cởi mở, rộng lượng. Khi người miền xuôi lên đây đói kém, người Vân Kiều, Pa Kô anh em đã đùm bọc trong những ngày đầu. Đến khi đủ đầy, anh em cùng nhau đóng góp lo cho cái chung của xã hội. Điều đó không hề thất thiệt”, ông Ái chia sẻ.

Hoạt bát, nhạy bén trong phát triển kinh tế, Triệu Phước - Lao Bảo từ sông Hãn, sông Hiếu của vùng đồng bằng đến rừng thiêng, sông Sê Pôn biên giới đều luôn phóng khoáng, hào sảng, vun vén cho cộng đồng. Đó là sự “giàu có” của dãy đất biên ải này.

Yên Mã Sơn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/lao-bao-dat-cua-nhung-con-nguoi-hao-sang/178877.htm