Lào Cai - đất lành của các nhà đầu tư
LTS - Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, Lào Cai đã trở thành đất lành của nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài... Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019, Lào Cai đạt được những kết quả gì về thu hút đầu tư?
Ông Phan Trung Bá: Từ sau hội nghị đến nay, Lào Cai cấp mới 92 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 16.692 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn như: Tổ hợp dịch vụ, thương mại kết hợp nhà ở cao tầng tại đường Hoàng Liên, phường Kim Tân, TP.Lào Cai với tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng; tổ hợp hệ thống trường liên cấp quốc tế Canada tại Lào Cai có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất chế biến quế hữu cơ của Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam với tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng...
Tỉnh cấp mới 4 dự án FDI với tổng số vốn 32,29 triệu USD và thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án đầu tư với tổng vốn tăng thêm 155,7 triệu USD. Đến nay, có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD.
Phóng viên:Lào Cai đã tạo những điều kiện thuận lợi nào để thu hút đầu tư?
Ông Phan Trung Bá: Để đổi mới nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tỉnh thực hiện các nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (vận hành hiệu quả tổ hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh). Ngoài các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư một cách bền vững thông qua các nhóm giải pháp về: Cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận nguồn lực đất đai, quy hoạch và xây dựng; chuyển đổi số và khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn lao động; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Phóng viên: Vậy những lĩnh vực, danh mục và nét mới trong công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh tới đây là gì, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Lào Cai sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, thực hiện dự án quy mô lớn có tác động lan tỏa tích cực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tỉnh cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động địa phương…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng thủ đô; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với các vùng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của Lào Cai và khả năng hợp tác, liên kết thu hút đầu tư của vùng trung du và miền núi phía Bắc?
Ông Phan Trung Bá: Lào Cai có thể phát triển thành trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước kết nối với khu vực Tây Nam Trung Quốc dựa trên các tiềm năng, lợi thế: Là trung tâm kết nối dọc của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối ngang Đông - Tây giữa các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho vùng và cả nước. Có điều kiện giao thông thuận lợi với đủ loại hình mang tính kết nối quan trọng với các tỉnh trong vùng và quốc tế. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai phát triển nhanh, hoạt động sôi động, thu hút được hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, khẳng định là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế.
Có nhiều lợi thế để phát triển du lịch gắn liền với sự phát triển của vùng và cả nước, đặc biệt Khu Du lịch quốc gia Sa Pa - địa danh đã có trên bản đồ du lịch thế giới, sẽ phát triển trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Cùng với các danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo và các lợi thế khác, Lào Cai là hạt nhân, là trụ cột trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc, điểm du lịch kết nối các vùng miền của cả nước, đặc biệt là kết nối giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Phóng viên: Công tác thu hút đầu tư được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển “đột phá” về hạ tầng giao thông và đô thị, tạo nền tảng thu hút vốn đầu tư.
Tỉnh tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài để tối ưu hóa những lợi thế của tỉnh, đưa thương mại, du lịch, dịch vụ thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với lợi thế về khoáng sản, cửa khẩu, tỉnh quy hoạch mở rộng khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp đủ sức để đón tiếp các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng. Ngoài ra, nông, lâm, thủy sản cũng là những lĩnh vực được ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quy mô lớn để cùng khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359930-lao-cai--dat-lanh-cua-cac-nha-dau-tu