Lào Cai: Phụ nữ xã Lùng Phình phát triển rau ôn đới để thoát nghèo

Tận dụng lợi thế vùng cao có khí hậu mát mẻ quanh năm, phụ nữ người Phù Lá, người Mông ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà, Lào Cai), đã chọn hướng canh tác rau ôn đới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

 Canh tác rau ôn đới là hướng đi đúng đắn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Lùng Phình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững

Canh tác rau ôn đới là hướng đi đúng đắn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Lùng Phình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững

Lùng Phình là xã vùng cao của huyện Bắc Hà, có khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa đông lạnh giá, trước đây bà con vẫn bỏ hoang đất trong mùa đông. Mấy năm gần đây, Lùng Phình trở thành xã đi đầu khu vực về gieo trồng cây rau màu, cây dược liệu vụ đông. Do hợp khí hậu, các loại cây rau màu ôn đới phát triển rất tốt, từ năm 2023, diện tích gieo trồng trong toàn xã tăng lên rất nhiều. Tính đến vụ đông xuân năm 2023 - 2024, xã Lùng Phình đã gieo trồng 35ha cây rau màu, trong đó có 3ha bắp cải, 5ha rau đặc sản đậu Hà Lan, 11 ha đậu đỗ và hàng chục ha các loại rau khác như su hào, cải ngọt, cải mèo, cải kale... Bên cạnh đó, bà con cũng trồng được 5ha cây dược liệu đương quy.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc canh tác các loại cây hoa màu ôn đới, chị em phụ nữ người Phù Lá, người Mông ở địa phương rất tích cực canh tác, giúp cho diện tích sản xuất hàng năm đều tăng thêm.

Bà Giàng Sín Xuyển - Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình, cho biết: “Ngày trước phụ nữ ở Lùng Phình không có thói quen sản xuất cây vụ đông, nếu có làm thì cũng chỉ để phục vụ nhu cầu cho gia đình. Nhưng giờ đây, chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi nhận thức hiệu quả của việc sản xuất rau ôn đới, tập trung nguồn lực để phát triển thành sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cho đến nay, phụ nữ cả 6 thôn trên toàn xã đều canh tác gieo trồng rau vụ đông”.

Bà Giàng Sín Xuyển - Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình

Bà Giàng Sín Xuyển - Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình

Ngoài việc tham gia sản xuất rau tại nhà, thì nhiều chị em phụ nữ trong xã cũng tham gia làm việc ở Nông trại Nông trại Kale Farm ở thôn Pả Chư Tỷ (xã Lùng Phình).

Đây là một trong những mô hình nông trại điển hình của xã Lùng Phình. Với diện tích hơn 30.000m2 đất canh tác, nông trại được chia thành các khu như: Xây dựng khu nhà sàn để trưng bày sản phẩm; khu vực cho khách đến thăm quan trải nghiệm hái rau, củ, quả và nấu ăn ngay tại nông trại; khu trồng các loại cây ăn quả như lê, mận...; khu trồng các loại rau cải cầu vồng, dâu tây, cà chua. Đặc biệt, nông trại dành hẳn 15.000m2 để trồng cải kale. Hàng năm, cơ sở này không những thu hút nhiều nữ lao động là người dân tộc thiểu số, tạo ra việc làm và thu nhập cho họ, mà điều quan trọng hơn là giúp họ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây hoa màu, từ đó áp dụng và sản xuất tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất của sản phẩm cho địa phương.

Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Lùng Phình rất tích cực mở rộng diện tích gieo trồng để tăng thêm thu nhập

Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Lùng Phình rất tích cực mở rộng diện tích gieo trồng để tăng thêm thu nhập

Hiện nay, rau cải kale đang là sản phẩm chủ đạo của chị em phụ nữ xã Lùng Phình. Đây là loại rau hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lùng Phình, nên khả năng sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh và có giá bán khá cao, bởi nhu cầu thị trường luôn lớn.

Chị Giàng Thị Chứ - chủ một nương rau ở Lùng Phình - cho biết: “Có thời điểm giá rau lên tới 50 nghìn đồng/kg, nên vào vụ đông xuân, mỗi gia đình cũng có nguồn thu từ vài chục triệu đồng, có nhà diện tích lớn, trồng được nhiều rau thì có thể thu được hàng trăm triệu đồng/vụ. Đây là nguồn động lực rất lớn để chị em phụ nữ phấn đấu canh tác gieo trồng rau”.

Trường Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lao-cai-phu-nu-xa-lung-phinh-phat-trien-rau-on-doi-de-thoat-ngheo-20240802095021696.htm