Lao động nông thôn tăng thu nhập nhờ học nghề

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các đề án về công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hải Lăng, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện luôn chú trọng đổi mới công tác đào tạo nghề. Nhiều lao động nông thôn ở Hải Lăng nhờ được đào tạo nghề đã có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Trung tâm GDNNGDTX huyện Hải Lăng bế giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho học viên tại xã Hải Phú -Ảnh: TÚ LINH

Trung tâm GDNNGDTX huyện Hải Lăng bế giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho học viên tại xã Hải Phú -Ảnh: TÚ LINH

Anh Phan Thanh Tân (sinh năm 1992) tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, trước đó là lao động tự do, vì không có tay nghề nên công việc không ổn định dẫn đến thu nhập bấp bênh. Sau nhiều lần tìm hiểu, anh Tân quyết định tham gia lớp học nghề ngắn hạn hàn và gia công cơ khí tại Trung tâm GDNN-GDTX để có kiến thức đi xuất khẩu lao động. Năm 2022, anh sang Nhật Bản làm việc đúng nghề đã được đào tạo.

Anh Tân cho biết, nhờ học được nghề nên khi sang Nhật Bản tiếp cận công việc khá nhanh và chủ động. Đến nay, đều đặn mỗi tháng anh tiết kiệm được một khoản tiền để sau này về nước tự chủ làm ăn, xây dựng cuộc sống gia đình.

Nhờ hoàn thành khóa học nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại trung tâm, chị Bùi Thị Thu Thanh (sinh năm 1973) tại thôn Câu Hà, xã Hải Phong đã chủ động mở dịch vụ nấu tiệc cưới, hỏi, đám giỗ... phục vụ người dân địa phương.

Chị Thanh cho biết, sau khi được đào tạo bài bản về kỹ thuật chế biến món ăn, kiến thức dinh dưỡng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chị đã tự tin mở rộng quy mô phục vụ khách hàng. Với thực đơn phong phú, dịch vụ của chị được người dân tin tưởng, đặt hàng thường xuyên. Dịch vụ của chị Thanh đã tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho một số phụ nữ trong thôn.

Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm GDNNGDTX Hải Lăng Văn Ẩm cho biết, thực hiện nội dung phát triển GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trung tâm đã phối hợp với các phòng: Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tổ chức tuyển sinh, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp cho học viên. Cùng với đó, trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến từng hộ dân để kịp thời nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác GDNN và lợi ích thiết thực của việc học nghề đối với người dân. Trung tâm điều tra, khảo sát, tham khảo nguyện vọng về ngành nghề học viên muốn học để mở lớp dạy nghề phù hợp; đồng thời vận động những người đủ điều kiện đăng ký tham gia học nghề. Cử giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm để hướng dẫn học viên từ lý thuyết đến thực hành.

Theo ông Văn Ẩm, trung tâm luôn thực hiện dạy nghề với phương châm “cầm tay chỉ việc”. Đối với dạy nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... các lớp học được tổ chức ngay tại chuồng trại, ruộng vườn của nông dân. Với cách làm này, người học nhanh chóng nắm bắt được kiến thức, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước tăng thu nhập cho gia đình.

Còn với nghề phi nông nghiệp, trung tâm đã tổ chức theo hướng gắn với giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động.

Ví dụ như mô hình nghề kỹ thuật chế biến món ăn, các học viên sau đào tạo đã thành lập các tổ dịch vụ chuyên nấu ăn phục vụ đám cưới, hội nghị hoặc làm bếp tại các nhà hàng, doanh nghiệp... với thu nhập hàng tháng từ 3-5 triệu đồng/người trở lên.

Theo đánh giá của các xã, thị trấn có lớp nghề nông thôn, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giúp chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết tốt việc làm cho người dân nông thôn.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã mở được 32 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng số gần 900 học viên.

Đa số học viên sau tốt nghiệp đã áp dụng kiến thức mới vào sản xuất hiệu quả. Nhiều hộ gia đình kết hợp sản xuất chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Đặc biệt hầu hết các lớp được mở tại địa bàn các xã nhằm giúp người học tham gia đầy đủ và có điều kiện thực hành tại địa phương.

Các lớp dạy nghề gồm: kỹ thuật nuôi gà thả vườn; chế biến món ăn; nuôi và trị bệnh cho gà, vịt; nuôi cá nước ngọt; nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà/vịt/cá; trồng hoa; đan lát bàn ghế và các vật gia dụng bằng sợi nhựa tổng hợp; hàn và gia công cơ khí...

Là đơn vị đào tạo nghề đóng trên địa bàn huyện, trung tâm góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn của địa phương.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng nghề, trong đó nhiều người đáp ứng đủ các tiêu chí tham gia xuất khẩu lao động, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thị trường sử dụng lao động trong và ngoài nước.

Việc đào tạo nghề thời gian qua của trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, từng bước phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, thời gian qua Trung tâm GDNNGDTX đã làm tốt đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần tăng năng suất lao động trên địa bàn. Huyện sẽ cố gắng tạo điều kiện để trung tâm đào tạo nghề ngày càng toàn diện hơn, bổ sung nguồn lực lao động giúp địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết việc làm.

Trong đó, huyện ưu tiên việc làm tại chỗ và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/lao-dong-nong-thon-tang-thu-nhap-nho-hoc-nghe/181614.htm