Lão nông làm kinh tế giỏi tại vùng biên Ia Rvê

Được người dân gọi với cái tên gần gũi - ông 'Ba Điều', người nông dân Hồ Văn Điều, trú tại thôn 3, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk là một người có đức tính cần cù, chịu khó. Nơi gia đình ông Ba Điều sinh sống được biết đến là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 44%. Bởi vậy, câu chuyện nỗ lực, vươn lên thoát nghèo của ông đã khiến nhiều người tại xã Ia Rvê hết sức nể phục. Ông chính là tấm gương điển hình khơi dậy nghị lực vượt khó của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk.

Ông Hồ Văn Điều với mô hình chăn nuôi gia cầm thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Hồ Văn Điều với mô hình chăn nuôi gia cầm thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Lân

Năm 2006, theo dự án di dân phát triển kinh tế mới, ông Ba Điều rời quê hương Bình Phước lên vùng biên giới Đắk Lắk lập nghiệp. Khó khăn nhất khi mới định cư theo như ông Ba Điều chia sẻ, đó là khí hậu khắc nghiệt, khi mùa mưa đến thì ngập úng, mùa khô thì nắng hạn kéo dài; đất đai đa phần mới được khai hoang, chưa được cải tạo nên rất cằn cỗi. Cây trồng và vật nuôi đang trong quá trình nuôi, trồng thử nghiệm.

Với bản lĩnh, ý chí của người lính không khuất phục trước khó khăn, ông chăm chỉ cày cuốc, vỡ hoang thêm đất, cải tạo, trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả như chuối, dừa để tạo độ che phủ tránh nắng nóng, đào mương thoát nước tránh ngập úng. Cũng vào thời gian khó khăn này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk đã hỗ trợ cho ông 100 con vịt trời giống, giúp ông có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

“Nhận thấy lợi thế xung quanh thửa đất gia đình giáp với hồ, suối tự nhiên thuận lợi cho phát triển mô hình “Vườn-ao-chuồng”, gia đình tôi tích góp nguồn vốn lớn hơn đào ao thả cá, trồng xen nhiều loại cây khác nhau kết hợp chăn nuôi gia cầm và gia đình cũng mở thêm cửa hàng tạp hóa để buôn bán các sản phẩm cây trồng nhằm chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm” - Ông Hồ Văn Điều kể.

Hiện nay, ông Điều đã hoàn thiện mô hình “Vườn-ao-chuồng”, trong đó, hệ thống vườn cây của ông áp dụng phương pháp đa canh (canh tác nhiều loại cây trồng trên một thửa đất) với 25 loại cây như mít, dừa, chuối, xoài, hồng xiêm, thanh long, nhãn, ổi... trong đó, ông trồng hơn 1.000 cây mít, 400 cây dừa.

Ông Điều chia sẻ: Lợi thế của việc trồng đa canh chính là mùa nào cũng có sản phẩm thu hoạch, như tháng 4, tháng 5, ông thu hoạch chuối và mít, sau đó, tiếp tục thu hoạch những loại cây như dừa, xoài, nhãn... Cứ thế, gia đình luôn có nguồn thu nhập thường xuyên. Đặc biệt, phương pháp này còn giúp đảm bảo độ che phủ tránh nắng, chắn gió, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mùa thu hoạch năm nay, ông Điều có thêm niềm vui, bởi vườn quýt hơn 400 cây của ông bước vào thu hoạch chính. Ước tính, thu hoạch khoảng 2 tấn quả.

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê cho biết: Mặc dù năm 2020, trên địa bàn xã Ia Rvê chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, nhưng xã đã giảm được 5,8% hộ nghèo, 4 gia đình tự xin thoát nghèo. Đóng góp vào kết quả này có sự hỗ trợ đắc lực của BĐBP Đắk Lắk cho người dân về cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt là sự đồng hành của các cán bộ, đảng viên Biên phòng trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Không những áp dụng đa canh trên cây trồng, ông còn áp dụng đa con trong chăn nuôi. Với hệ thống 7 ao cá trong vườn đã phục vụ nước tưới cho cây trồng. Ông nuôi cá diêu hồng, cá chép, trồng thêm cây hoa súng để bán giống. Hiện nay, ông đang nuôi thêm ốc bươu đen, cho hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế nguồn thức ăn có sẵn từ cây trồng trong vườn nên ông đã nuôi thả vườn hơn 200 con gia súc, gia cầm. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Điều là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn. Với những kiến thức và kinh nghiệm trong làm ăn phát triển kinh tế, trên cương vị “đầu tàu”, ông đã giúp đỡ về kỹ thuật và tạo dựng ra nguồn vốn của chi hội để các hội viên khó khăn có điều kiện vay mượn đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, hơn 80% hội viên cựu chiến binh trên địa bàn thôn là hộ nghèo, nhưng đến đầu năm 2021, 13/13 hội viên đã thoát nghèo, trong đó, có 5 hội viên được công nhận làm kinh tế khá và giỏi.

Nguyễn Ngọc Lân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lao-nong-lam-kinh-te-gioi-tai-vung-bien-ia-rve-post439527.html