Lão nông tự học, sáng chế cơ khí nông nghiệp

Dù chỉ có trình độ THPT nhưng bằng tinh thần tự học, sáng tạo, ông Tô Văn Quý (ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) đã tự máy mò, sáng chế được nhiều loại máy móc, cơ khí hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm 1990, ông chính là người đã sáng tạo ra máy khoan ngang để khai thác mạch nước ngầm mà đến nay loại máy này vẫn còn sử dụng.

Ông Tô Văn Quý với công việc sản xuất, chế tạo cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ông Tô Văn Quý với công việc sản xuất, chế tạo cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo lời ông Quý, tất cả những sáng chế đó đều khởi đầu từ các lớp học khuyến nông, khuyến công mà ông được tham gia.

Ý tưởng sáng tạo từ các lớp học khuyến nông

Ông Quý sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ông cùng gia đình rời quê hương vào vùng đất Xuân Mỹ để sinh sống. Thời điểm đó, đời sống gia đình ông cũng như bà con quanh khu vực đều khó khăn. Ông Quý không biết làm công việc gì khác ngoài sản xuất nông nghiệp. Điều may mắn là ông đã được tham gia các lớp khuyến nông, khuyến công do địa phương tổ chức.

Ông Quý nhớ lại: “Sau khi tham gia các lớp học này, tôi nhận ra mình cần phải học một nghề nào đó để làm kinh tế. Tôi nhận thấy cần phải ứng dụng cơ khí trong nông nghiệp nên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng để mua máy móc về mở tiệm hàn tiện. Lúc đó, khu vực Xuân Mỹ vẫn chưa có điện nên tôi mua cả máy phát điện để phục vụ sản xuất”.

Ông Tô Văn Quý là tấm gương điển hình người lớn tham gia học tập ở địa phương, được Hội Khuyến học H.Cẩm Mỹ giới thiệu để hội khuyến học cấp trên khen thưởng, tuyên dương.

Mở tiệm hàn tiện, cơ khí nhưng ông Quý chưa được học nghề này nên phải thuê thợ về để làm và học nghề từ chính người thợ mà ông thuê. Vốn sáng dạ cộng với tinh thần ham học hỏi, cần cù, ông Quý đã chế ra nhiều loại công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, được bà con quanh vùng đón nhận. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm, ông Quý đã trả hết số nợ ngân hàng và bắt đầu làm ăn khấm khá.

Ông tự tin chia sẻ: “Quá trình vừa học vừa làm suốt 30 năm qua, tôi đã tự sáng chế ra được các loại sản phẩm như: cối xay cà phê, cối xay tiêu, bơm các loại, đóng xe rơ moóc, xe cải tiến, xe trộn bê tông… Đặc biệt, trong những năm hạn hán nghiêm trọng, tôi còn chế tạo ra máy khoan ngang phục vụ bà con tìm nguồn nước”.

Ban đầu, máy khoan ngang này hoạt động thủ công, sau đó ông Quý đã cải tiến cho chạy bằng máy nổ, rồi chạy bằng mô tơ. Vẫn chưa hài lòng, ông tiếp tục cải tiến nâng cấp để máy chạy bằng thủy lực. Loại máy khoan ngang này đem lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ được trong nhiều ngành nghề.

Ngoài ra, từ thực tế sản xuất nông nghiệp, chịu khó quan sát, ông Quý cũng đã chế tạo ra dụng cụ đóng máng và thổi lá cao su rất hiệu quả, hiện nay sản phẩm này vẫn được sản xuất phục vụ cho công nhân cao su của Nông trường Cao su Cẩm Mỹ.

Đam mê âm nhạc

Từ một người nông dân, bằng cách không ngừng tự học và đam mê chế tạo, giờ đây, ông Quý đã trở thành ông chủ một cửa hàng sản xuất, chế tạo cơ khí có tiếng trong vùng. Không những vậy, ông còn truyền lại nghề cho người con trai và mở cho con một tiệm cơ khí riêng.

Tự đam mê và mày mò học nhạc, đến nay ông Tô Văn Quý đã biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ và là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ

Tự đam mê và mày mò học nhạc, đến nay ông Tô Văn Quý đã biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ và là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ

Nói về việc tự học, ông Quý chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng người ta làm được thì mình cũng làm được. Trước đây việc tự học gặp nhiều khó khăn, sau này khi mạng internet đã phát triển thì việc học trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tôi mừng vì nhờ ham học hỏi mà giờ đây kinh tế gia đình luôn ổn định, con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Cả 2 con của tôi đã có gia đình và đều có cơ sở riêng”.

Hiện nay, ở tuổi gần 60, hàng ngày ông vẫn miệt mài với công việc chế tạo, sản xuất. Không những vậy, ông còn mày mò tự học và biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ.

Trong phòng khách của gia đình ông Quý có rất nhiều loại nhạc cụ: đàn guitar, đàn nguyệt, nhị, đàn bầu, trống… Ông Quý cho hay, CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ được thành lập từ năm 2016 và được UBND xã công nhận. CLB gồm 20 thành viên, sinh hoạt đều đặn hàng tháng và duy trì cho đến nay.

Là thợ cơ khí có tâm hồn nghệ sĩ, hoài cổ, ông Quý còn sưu tầm nhiều vật dụng xưa cũ để lưu lại như: các loại đèn đầu, đồng hồ, nồi đồng, mâm đồng, radio, máy phát nhạc, kỷ vật chiến tranh… thậm chí cả cồng chiêng. Những món đồ cũ xưa này được ông sắp xếp, trưng bày gần như kín cả phòng khách để mọi người đến nhà chơi đều có thể chiêm ngưỡng.

Mong muốn của ông là có thể lưu lại được những dấu ấn xưa cũ để các con cháu có thêm hiểu biết về đời sống của thế hệ cha ông đi trước.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/lao-nong-tu-hoc-sang-che-co-khi-nong-nghiep-f292ec3/